Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người lính trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

23:37, 05/08/2010
Tự hào về truyền thống vẻ vang, càng thêm khẳng định vai trò trách nhiệm lớn lao trong thời kỳ đổi mới- đó là tâm nguyện của những người làm công tác Tuyên giáo của tỉnh qua các thời kỳ…
Công tác Tuyên giáo trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, vô cùng cam go, gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào. Bác Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (hiện ở tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) kể: Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, kẻ thù huy động lực lượng phản kích đánh phá vùng giải phóng, vùng căn cứ rất ác liệt. Các cuộc càn quét, ném bom rải thảm đã khiến nhiều vùng bị san phẳng, phương tiện hoạt động tuyên huấn lúc này hầu như bị phá nát. Trong tình thế nguy cấp đó, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn lánh về căn cứ cánh Nam (Krông Bông) để tiếp tục hoạt động. Giữa cuộc sống cực kỳ gian khó của nhân dân vùng mới giải phóng, chúng tôi khẩn trương bắt tay ngay vào việc: một bộ phận sản xuất tay rìu, tay cuốc phát le, cỏ tranh để trồng sắn, tự túc lương thực; bộ phận khác tiếp tục công việc chuyên môn, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của tỉnh như đội văn công, chiếu bóng, giáo dục, tuyên truyền vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong vùng căn cứ cũng như vùng tranh chấp. Tôi nhớ mãi trong khâu làm báo, hầu như thiếu thốn đủ thứ, anh em phải dùng tấm bia vỡ trong nghĩa trang đem về mài mòn viết li-tô, rồi mực in, giấy đều phải gửi mua, rồi tin tức, bài vở phải tìm đủ mọi cách khai thác, sao cho bảo đảm phát hành báo đều đặn hàng tháng. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những tin tức, bài vở có được trên mặt báo đôi khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng, xương máu của người viết, người in, phát hành báo. Nhưng đổi lại, tờ báo là liều thuốc tinh thần vô giá, đem lại niềm tin, sự động viên khích lệ cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở vùng giải phóng cũng như trong vùng địch tạm chiếm; đồng thời cũng chính là loại vũ khí sắc bén làm kẻ thù hoang mang, khiếp sợ. Khâu chiếu phim cũng có tác dụng không kém trong việc tuyên truyền. Mặc dù mỗi chuyến đi chiếu hết sức vất vả, chúng tôi phải gùi máy nổ, máy chiếu cắt núi luồn rừng vào vùng căn cứ, vùng mới giải phóng, có khi phải đi cả buổi mới đến nơi chiếu phim, lúc ấy tất cả “tài sản” chỉ có 2 bộ phim là Cô gái vùng cao Bao giờ cho đến tháng Mười, nhưng đồng bào, chiến sĩ luôn hồ hởi đón xem, chỉ cần thấy chiếu phim của ta là mọi người đều phấn khởi. Trong việc xóa mù chữ, anh em đến tận từng nhà vận động đồng bào đi học chữ, sau khi mở lớp xóa mù xong là mở ngay trường bổ túc văn hóa, trường sư phạm, thầy trò cùng sản xuất, cùng học.
Các bác Siu Lai, Ralan Yđê - nguyên diễn viên Đoàn Văn công Dak Lak (hiện ở tại xã Cư Ebur, TP Buôn Ma Thuột) vô cùng xúc động, tự hào về một thời tiếng hát át tiếng bom. Bác Ralan hào hứng: Lúc ấy gian nguy mà vẫn vui, được mang lời ca điệu múa đến cho đồng bào chiến sĩ là vui rồi. Lúc ấy tôi mới đi học ở Trung ương Cục về, được trang bị kiến thức cơ bản về chính trị, chuyên môn nên có nhiều thuận lợi trong công việc, tùy đối tượng phục vụ là nhân dân vùng mới giải phóng, ấp chiến lược hay trong rừng mà sáng tác những bài múa hát phù hợp. Bác Siu Lai nhớ lại: Nhạc cụ thời chiến đơn sơ, trang phục đơn giản, có gì dùng nấy, nhưng anh chị em trong đội từ người sáng tác, đạo diễn đến diễn viên đều hăng hái tập luyện, sẵn sàng gùi đồ đạc, lương thực luồn rừng, vượt qua các điểm địch phục kích để đến nơi biểu diễn, từ căn cứ cánh Nam đến cánh Bắc (Dliê Ya) đều in dấu chân những chiến sĩ - diễn viên. Sân khấu biểu diễn thời chiến tranh hết sức dã chiến, chỉ treo đèn măng - sông lấy ánh sáng, khi không có đèn thì dùng đuốc, chương trình biểu diễn “cây nhà lá vườn”, từ các bài hát cách mạng sôi nổi đến những lời ca, điệu múa tự biên nhưng đêm diễn nào cũng chật người xem, vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt. Lời ca điệu múa vượt lên bom đạn đã giúp đồng bào thêm tin tưởng cách mạng và tin ở ngày chiến thắng.
Tự hào về truyền thống vẻ vang, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng càng thêm ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong thời kỳ mới. Anh Nguyễn Lập Tiến, cán bộ Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột  tâm sự: Thời chiến tranh, công tác Tuyên giáo gặp muôn vàn gian khó trong điều kiện hoạt động bí mật, tài liệu cũng như cơ sở vật chất hoạt động thiếu thốn, vậy mà lớp cha chú đi trước vẫn làm tốt nhiệm vụ, thật đáng khâm phục. Thời nay tuy điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, nhưng công tác Tuyên giáo cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức: đó là các thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi xảo quyệt của các thế lực thù địch; là tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường; bên cạnh đó, trình độ người dân ngày càng nâng cao, sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng internet đã giúp mọi người ngày càng có điều kiện hơn trong việc tiếp cận thông tin phong phú, đa chiều. Điều đó đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải luôn tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chẳng hạn, bây giờ, khi báo cáo viên đi truyền đạt nghị quyết mà chỉ nói như…nghị quyết thì sẽ lâm vào tình trạng “biết rồi, nói mãi”! Muốn truyền đạt có chất lượng, có sức thuyết phục, báo cáo viên phải có cái nền kiến thức sâu rộng, lập luận sắc sảo, phân tích đánh giá đúng đắn sự kiện, tình hình; mà muốn có cái nền, phải luôn học hỏi, nghiên cứu, cập nhật thông tin đa chiều, rèn luyện kỹ năng…
Tâm sự của những người làm công tác Tuyên giáo qua các thời kỳ đã khẳng định: Với bản lĩnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo suốt 80 năm qua
 
Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc