Multimedia Đọc Báo in

Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV:

Sức lan tỏa từ những phong trào

10:28, 03/10/2010

Những ngày này, trên khắp các địa bàn của tỉnh ta diễn ra nhiều hoạt động: đó là các phong trào thi đua yêu nước  trên mọi lĩnh vực; là không khí thi đua sôi nổi tại các ngành, địa phương trong tỉnh với quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Những kết quả mỗi tập thể, cá nhân đạt được là thành tích thiết thực, ý nghĩa nhất chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Từ những chương trình  “Ý Đảng - lòng dân”
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay hầu hết các tuyến đường trên địa bàn phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ đã được cứng hóa. Đây được xem là thành tích nổi bật nhất của phường để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Phường Thống Nhất có 2.547 hộ, gần 13.000 nhân khẩu, được chia thành 8 tổ dân phố và 2 buôn. Để có được kết quả gần 100% tuyến đường được cứng hóa, chính quyền và nhân dân phường đã đồng lòng, thống nhất cao, tham gia tích cực trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Trên tinh thần tự nguyện và linh hoạt, các tổ dân phố và các buôn đã đưa ra những cách thức khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi khu dân cư. Ở thôn Hợp Thành 1, để bê tông hóa 800m đường đi rẫy, tùy thuộc vào diện tích của mỗi hộ dân nhiều hay ít mà đưa ra mức đóng góp hợp lý. Nếu gia đình nào có điều kiện thì đóng góp thêm như trường hợp các hộ ông Hoàng Trọng Thực, Nguyễn Xuân Lợi đã tự nguyện đóng góp mỗi hộ 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ dân phố Tân Hà 3 lại thực hiện theo cách thức chia đều mức đóng góp, cụ thể mỗi hộ 500 nghìn đồng, hộ nghèo chỉ phải tham gia ngày công làm đường… Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, tổ trưởng tổ dân phố Tân Hà 3 cho biết, do nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng, cứng hóa các trục đường trong khu vực nên bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoài đóng góp hàng chục triệu đồng, người dân ở đây còn đóng góp rất nhiều ngày công để làm đường nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi người dân địa phương trong việc đi lại và sản xuất. 

Hằng năm, UBND phường cũng trích ra khoảng 150 triệu đồng để cùng nhân dân tu bổ, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND phường cho hay, nhờ thực hiện tốt phương châm “lấy dân làm gốc”, mọi công việc đều dựa vào sức dân mà địa phương đạt được kết quả cao trong công tác này. Để công tác cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn được hoàn thành sớm nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, chính quyền địa phương đang đôn đốc người dân tập trung mọi nguồn lực có thể, tạo thành một khí thế thi đua sâu rộng trong từng khu dân cư.

Krông Bông là một huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào thiểu số chiếm khá lớn, do đó nhu cầu bức thiết về nhà ở của các hộ gia đình khó khăn là một vấn đề đáng quan tâm. Quyết định 167/2008/QĐ -TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã mang đến cuộc sống mới cho hàng trăm hộ nghèo nơi đây. Theo kế hoạch, trong năm 2010, UBND huyện Krông Bông sẽ xây dựng 916 ngôi nhà cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà hoặc nhà  tạm bợ, đời sống khó khăn với kinh phí trên 7 tỷ đồng, cụ thể mỗi căn nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng. Hiện tại, UBND huyện đã hoàn thành và bàn giao 580 nhà cho các hộ dân. Còn lại 336 ngôi nhà đang và sẽ xây, huyện lấy đây là mục tiêu phấn đấu để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ đôn đốc, chỉ đạo các khu dân cư, dòng họ và từng hộ dân tập trung mọi nguồn lực, nhất là ngày công và chuẩn bị đầy đủ vật liệu xây dựng để hoàn thành kế hoạch trước ngày 15-12. Anh Y Bin M’lô (buôn Cư Komang, xã Dang Kang) phấn khởi: “ Nhờ sự quan tâm của Đảng, ơn Nhà nước mà gia đình mình có được ngôi nhà mới để yên tâm đi rẫy làm việc, các con có được nơi học tập mà không phải lo mỗi khi mưa bão. Còn số tiền vay thì ngân hàng cho trả trong vòng 6 năm nên cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình”.

Nằm trong danh sách được cấp nhà ở trong tháng 5 vừa rồi, bà Trần Thị Hồng (82 tuổi, thôn 5, xã Hòa Sơn) bày tỏ, bước vào tuổi gần đất xa trời, bây giờ bà mới có một ngôi nhà khang trang từ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Có thể nói, những ngôi nhà được xây dựng từ Chương trình 167 đã, đang và sẽ mang đến nhiều niềm vui cho những hộ nghèo, tạo điều kiện giúp họ ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Việc chính quyền địa phương nơi đây triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình này không chỉ mang lại những mái nhà ấm cúng, vững chắc cho người nghèo, mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, giúp họ ‘’an cư lạc nghiệp’’, thoát nghèo bền vững.

Đến các phong trào thi đua hiệu quả
TP. Buôn Ma Thuột là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả các các chương trình mục tiêu cũng như phát động nhiều phong trào thi đua, lập thành tích hướng về Đại hội, trong đó tiêu biểu là phong trào thi đua yêu nước. Những thành tích của các tập thể cá nhân ở mọi ngành, mọi giới đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của thành phố trong những năm qua. Thành tích nổi bật, ý nghĩa nhất đó là đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Vinh dự này là động lực to lớn để các cấp, ngành và chính quyền địa phương nỗ lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thành phố một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Mọi nguồn lực được huy động cho đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đã thật sự làm cho Buôn Ma Thuột “thay da đổi thịt”. Theo khảo sát và đánh giá sơ bộ của thành phố, mạng lưới giao thông (gồm các trục đường đối ngoại và trục đường chính trong khu vực nội thị) với tổng chiều dài hơn 563 km đã được thảm nhựa, bê tông hóa. Các trục đường quốc lộ 14 (phía Bắc), quốc lộ 26, 27, đường vành đai phía Tây và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thành phố cũng đã được đồng loạt xây dựng đồng bộ: nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và điện chiếu sáng… Việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị cũng đang được chính quyền địa phương đầu tư mạnh mẽ. Ngoài các công trình công cộng như quảng trường, hoa viên đã được tôn tạo lại khang trang hơn, trên địa bàn Buôn Ma Thuột có hơn 20 tuyến vỉa hè nội thành cũng được lát gạch mới. Làm đẹp phố phường và thực hiện các tiêu chí môi trường, cảnh quan cũng là để Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị sạch của cả nước - danh hiệu được Hiệp hội các đô thị Việt Nam công nhận vào năm 2009. Có thể nói, để Buôn Ma Thuột có được diện mạo mới như hôm nay chính là nhờ sự nỗ lực, góp phần không nhỏ của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tập thể, cá nhân, trên mọi mặt của đời sống xã hội. Những tập thể, cá nhân tiêu biểu ấy trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố là những hạt nhân quan trọng, là nhân tố tích cực trên hành trình xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng văn minh, giàu mạnh. Như tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột đã xác định đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm bình quân 16-17%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt trên 50 triệu đồng; thu ngân sách hàng năm tăng 20-22%; nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị lên 90% diện tích tự nhiên khu vực nội thành và 24% đất tự nhiên toàn thành phố; phát triển 1-2 khu đô thị mới…

Năm 2010 là năm mang nhiều ý nghĩa đối với huyện Krông Pak (huyện duy nhất ở miền Trung – Tây Nguyên được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chọn để xây dựng thành “huyện điểm văn hóa”). Bởi đây là mốc thời gian quan trọng đánh giá quá trình 5 năm thực hiện, xây dựng “huyện văn hóa”, đồng thời cũng là năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn có thêm một ý nghĩa lớn lao nữa đó là lập thành tích để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh. 

Sau 5 năm xây dựng huyện điểm văn hóa, đến nay, toàn huyện đã có 38.439 hộ/42.309 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó đã có trên 30.000 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” các cấp; 14/16 xã, thị trấn đăng ký và làm lễ phát động xây dựng xã văn hóa. 253/273 thôn, buôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng thôn buôn, tổ dân phố văn hóa. Để có kinh phí phục vụ công tác xây dựng xã văn hóa, ngoài 40 triệu đồng do huyện hỗ trợ, nhân dân các xã đã đóng góp thêm để làm “quỹ xây dựng xã văn hóa”. Từ nguồn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đã có 44 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xây dựng được Nhà văn hóa cộng đồng, với tổng kinh phí 5,8 tỷ đồng; 240 hội trường thôn, buôn, tổ dân phố trị giá hơn 10 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí tự góp của nhân dân…

Không chỉ quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa mà các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc anh em đến từ các vùng miền khác hiện đang sinh sống ở Krông Pak cũng được chính quyền địa phương nơi đây tạo điều kiện để có môi trường diễn xướng, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Mặt khác, huyện cũng thường xuyên tổ chức các ngày hội văn hóa để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc Êđê, Xêđăng, Tày, Nùng, Vân Kiều… sinh sống trên địa bàn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết. Như Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015 khẳng định: đời sống văn hóa phát triển, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy đã thực sự là đòn bẩy cho Krông Pak phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Krông Pak tăng bình quân trong 5 năm qua là 12,3%, thu nhập bình quân đạt hơn 16 triệu đồng /người/năm, thu ngân sách tăng bình quân 20%/năm. Nền kinh tế của huyện được đánh giá là đang phát triển nhanh, đa dạng và bền vững. Các chương trình mục tiêu quốc gia: 132, 134, 135, 159, 167… được huyện thực hiện đạt hiệu quả cao, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Có thể nói, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, nội lực được phát huy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, ngành, cũng như tập thể, cá nhân trên mọi mặt của đời sống xã hội và cũng là thành tích thiết thực nhất hướng về Đại hội.

 

Lê Hương - Hoàng Tuyết - Hồng Thúy

 


Ý kiến bạn đọc