Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII Cải cách thủ tục hành chính: Cần theo hướng đơn giản hóa
09:30, 10/11/2010
Ngày 9-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, cũng như huy động được các nguồn lực trong xã hội để thực hiện nên trong những năm qua, cải cách TTHC đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Đã công bố được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Một số lượng lớn các TTHC rườm rà, chồng chéo, không hợp lý, dễ bị lợi dụng, lạm dụng đã được rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; nhiều TTHC mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cải cách TTHC. Trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao. Việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị mặc dù đã có chương trình, kế hoạch, nhưng chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, kể cả những “giấy phép con” do các cơ quan quản lý tự quy định; còn tình trạng ban hành văn bản chứa quy phạm pháp luật, trong đó có những quy định không phù hợp cả về thẩm quyền, hình thức và nội dung theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở một số nơi còn lúng túng, chưa thực sự hợp lý trong một số lĩnh vực; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa nhất quán, thiếu đồng bộ; thời gian giải quyết vẫn còn dài ở một số thủ tục; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thảo luận cụ thể về các lĩnh vực trong cải cách TTHC, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế được Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra. Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, việc đơn giản hóa TTHC không chỉ là việc đề ra số thủ tục để kiến nghị hủy bỏ hay sửa đổi bổ sung mà các TTHC phải hết sức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm và được công khai, minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp và từng đơn vị. Cũng theo đại biểu, để hạn chế và tiến tới đẩy lùi tệ nạn “cò” TTHC, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế mở rộng các dịch vụ tư vấn xã hội hoá giống như các dịch vụ công chứng, nhằm giúp người dân khi có nhu cầu.
Về những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách TTHC, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, có 3 nguyên nhân chưa được đánh giá thấu đáo và chưa nêu được hướng khắc phục trong thời gian tới, đó là chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều TTHC vẫn đẩy những việc mà chính quyền chưa làm được cho người dân. Những việc này có thể đơn giản đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nó lại tạo ra những thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được hệ thống lưu trữ điện tử chung để các cơ quan quản lý và khai thác, thì sẽ loại bỏ được các loại giấy tờ không cần thiết và các TTHC kèm theo.
Nhiều đại biểu đều có chung kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 để đưa chính quyền đến gần dân hơn, để chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc