Multimedia Đọc Báo in

Các bộ, ngành Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak

16:42, 16/12/2010
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ý kiến kiến nghị của các cử tri. Dưới đây là tổng hợp ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương.

Chấm bài là nhiệm vụ và việc làm không thể thiếu của công tác dạy học
Cử tri kiến nghị: Ngày 9-9-2008, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50 quy định rõ về chế độ làm việc của giáo viên. Nhưng Thông tư số 28 ngày 21-10-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không quy định việc chấm bài và số bài chấm quá quy định thành tiết để thanh toán tiền vượt giờ cho giáo viên nên nhiều trường học không trả tiền chấm bài quá quy định, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm khắc phục tình trạng này.
 
Về kiến nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 5819 trả lời như sau: Thông tư liên tịch số 50/2008 ngày 9-9-2008 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, không quy định chế độ làm việc của giáo viên. Hiện nay, trong Điều lệ trường Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ nhiệm vụ chủ yếu nhất của giáo viên là dạy học. Soạn bài, lên lớp, kiểm tra, chấm bài là những việc làm không thể thiếu của công tác dạy học, được tính chung vào số tiết và là nhiệm vụ của mọi giáo viên, không thể tách việc chấm bài cũng như không thể tách việc soạn bài ra khỏi công việc dạy học. Ngoài ra, có một số công việc khác của nhà trường chỉ một số giáo viên được phân công đảm trách như: công tác chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phụ trách phòng học bộ môn, giáo viên kiêm nhiệm công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, giáo viên phụ trách xưởng, phòng thiết bị thư viện… thì được tính trừ giờ dạy. Vì vậy, Thông tư số 28 ngày 21-10-2009 quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông đã bỏ quy định về việc quy đổi việc chấm bài ra tiết dạy.

Chỉ tiêu cử tuyển do địa phương xác định
Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển Đại học Luật cho tỉnh để bảo đảm nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ địa phương. Hiện nay sinh viên của Dak Lak tốt nghiệp đại học Luật ra trường hầu như không về lại địa phương, không có nguồn tuyển dụng bổ sung cho các cơ quan tư pháp.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến trả lời như sau: Theo Nghị định số 134 ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư liên tịch số 13 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc Quốc hội ngày 7-4-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giao chỉ tiêu cử tuyển trực tiếp cho các tỉnh, các trường mà chỉ tiêu cử tuyển vào các trường đại học do địa phương xác định trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách của tỉnh. Việc tăng chỉ tiêu cử tuyển vào trường đại học Luật sẽ do UBND tỉnh quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị tăng chỉ tiêu của tỉnh, thông báo cho Trường Đại học Luật  TP. Hồ Chí Minh biết để có kế hoạch đào tạo cho tỉnh.

Đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bằng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 để tỉnh giải quyết vấn đề dân di cư tự do
Cử tri kiến nghị dân di cư tự do đến địa bàn Dak Lak tiếp tục tăng, gây thêm nhiều khó khăn, phức tạp. Tỉnh đã lập 17 dự án với tổng nguồn vốn 360 tỷ  đồng để ổn định đồng bào đến từ các năm trước và năm 2009. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh chỉ được Trung ương hỗ trợ 18 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển theo Quyết định số 193/QĐ-TTG, số vốn còn lại 342 tỷ, đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí giúp địa phương thực hiện dự án.
 
Theo ý kiến trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2006 đến năm 2010, kế hoạch ngân sách Trung ương đã hỗ trợ tỉnh 24,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết cho tỉnh tạm ứng trước kế hoạch năm 2010 là 20 tỷ đồng; tại Quyết định số 203/QĐ-TTG ngày 5-2-2010 Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung cho tỉnh 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009. Như vậy từ năm 2006 đến tháng 7-2020 Trung ương đã hỗ trợ tỉnh 74,5 tỷ đồng. Hiện Bộ đang phối hợp với các bộ liên quan tổng hợp đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các tỉnh bằng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 để các tỉnh thực hiện, trong đó có tỉnh Dak Lak.

Không còn tình trạng tạm dừng chi trả chế độ trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Cử tri kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát lại việc thực hiện chủ trương tạm dừng chi trả chế độ trợ cấp cho những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời: Việc rà soát hồ sơ thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn áp dụng đối với các trường hợp trước đây hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTG ngày 5-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển sang hưởng chế độ theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ. Trường hợp đủ điều kiện theo tiêu chí rà soát thì người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được chuyển sang hưởng mức trợ cấp tương ứng theo Nghị định 54; đối với trường hợp rà soát lại thủ tục hồ sơ nếu không đủ điều kiện để tiếp tục hưởng thì dừng chế độ trợ cấp. Đến thời điểm hiện nay, việc rà soát hồ sơ đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương hoàn thành và không còn tình trạng tạm dừng chi trả chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đã có và tiếp tục giao các đơn vị chức năng thực hiện các công trình nghiên cứu nâng cao chất lượng cà phê
Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét có chương trình hỗ trợ công tác nghiên cứu nâng cao chất lượng cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên.

Ý kiến trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau: Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và một số đơn vị nghiên cứu khác chủ trì thực hiện 7 đề tài, dự án về chọn tạo giống, kỹ thuật thâm canh, bảo vệ thực vật, các giải pháp tổ chức sản xuất nhằm phát triển và nâng cao chất lượng cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ tiếp tục giao cho các viện triển khai thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo giống cà phê vối (năng suất cao >4 tấn/ha, chín muộn, chất lượng tốt, tỷ lệ R1 đạt trên 90%, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính), cà phê chè (năng suất >3 tấn/ha, kích cỡ hạt lớn, hàm lượng cafein cao); nghiên cứu hoàn thiện quy trình tái canh cà phê; nghiên cứu biện pháp tổng hợp phòng trừ một số sâu bệnh mới hại cà phê và nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và ổn định thu nhập cho người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Mức hỗ trợ bằng tiền đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở không được công nhận là đất ở, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế địa phương
Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trường hợp mức hỗ trợ bằng tiền đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở không được công nhận là đất ở (quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 21, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền đối với đất nông nghiệp quy định tại khoản 1, Điều 22, Nghị định 69/2009/NĐ-CP).

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Mục đích của quy định hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở tại Điều 21, Nghị định số 69 và quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Điều 22, Nghị định 69 là khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư mà giá trị hỗ trợ thấp hơn giá trị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm quy định tại khoản 1, Điều 22, Nghị định số 69 thì UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ khác theo Điều 23, Nghị định số 69 cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương.
(Còn nữa)
Đàm Thuần (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc