Multimedia Đọc Báo in

Các bộ, ngành Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak

22:09, 16/12/2010
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ý kiến kiến nghị của các cử tri. Dưới đây là tổng hợp ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương.
  (Tiếp theo)
Nhà nước chủ trương khuyến khích các thương nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu
Cử tri đề nghị Nhà nước có chính sách quản lý giá xăng dầu hợp lý nhằm khắc phục tình trạng độc quyền của các công ty kinh doanh xăng dầu gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
 
Bộ Tài chính trả lời: Theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-1-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Ở nước ta hiện có 11 thương nhân đầu mối đủ điều kiện để nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh xăng dầu. Nhà nước không cấm hoặc hạn chế mà chủ trương khuyến khích các thương nhân có đủ điều kiện tại Điều 7, Nghị định số 28 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu tham gia xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất xăng dầu. Hiện giá xăng dầu và nhiều giá cả hàng hóa, dịch vụ đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới.
 
Do giá xăng dầu có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế xã hội, mặt khác để hạn chế tính tự phát trong việc quy định giá bán xăng dầu của các thương nhân đầu mối, Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định đối với xăng dầu. Trong đó, quy định rõ các khoản chi phí được tính để hình thành giá bán xăng dầu; các thương nhân đầu mối được quyền quy định giá theo nguyên tắc, trình tự nhất định; thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá. Đồng thời Chính phủ còn quy định khi thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán xăng dầu phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến cơ quan có thẩm quyền được giao giám sát theo đúng quy định của pháp luật.
 
Sẽ sửa đổi bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí công chứng cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay
Cử tri đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sớm sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 91 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí công chứng cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
 
Bộ Tài chính có Công văn số 10330 trả lời như sau: Ngày 2-6-2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25 về việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của bộ, ngành, trong đó có nội dung Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm phí công chứng đối với các thủ tục công chứng hợp đồng gắn với quyền sử dụng đất. Thực hiện Nghị quyết này, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp  Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư liên tịch số 91 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí công chứng. Sau khi tổng hợp ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Thông tư này, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
 
EVN sẽ tiếp tục từng bước tìm nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn trong thời gian tới
Cử tri kiến nghị: Chất lượng của lưới điện nông thôn hiện nay ở một số nơi xuống cấp quá thấp. Tình trạng “ăn đèn ngủ điện” diễn ra ở nhiều nơi và đây cũng là tình trạng chung ở nhiều tỉnh trong cả nước. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường điện nông thôn, bảo đảm công suất phục vụ sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.
 
Bộ Công Thương trả lời: Xác định điện khí hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, trong giai đoạn 2006-2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tính đến thời điểm hiện nay 100% số huyện trong cả nước có điện lưới và điện tại chỗ. Ngành Điện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 90% hộ dân nông thôn có điện theo Nghị quyết Đại hội X. Để bảo đảm quyền lợi cho mọi khách hàng dùng điện, từ tháng 6-2008, EVN đã triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn trên toàn quốc. Đây là chương trình có quy mô rất lớn, đòi hỏi lượng vốn lớn, tăng biên chế, tăng chi phí quản lý… trong khi điều kiện hoạt động tài chính của EVN còn nhiều khó khăn. EVN đã nỗ lực cao độ, đến cuối năm 2009 đã tiếp nhận 3500 xã với gần 3,9 triệu hộ dân; mục tiêu đến năm 2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận gần 5300 xã với 7,4 triệu hộ dân nông thôn. Việc đầu tư cải tạo nâng cấp những lưới điện đã cũ nát, gây tổn thất lớn là yêu cầu thiết thực của EVN. EVN sẽ tiếp tục từng bước tìm nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn trong thời gian tới.
 
Cà phê là một trong 6 ngành hàng được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng thương hiệu
Cử tri đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cà phê Việt Nam. Liên kết các nhà xuất khẩu cà phê trong nước nhằm chia sẻ thông tin về thị trường, đưa ra các chính sách phù hợp điều tiết xuất khẩu góp phần hạn chế việc ép giá bởi các nhà nhập khẩu và các qũy đầu cơ.
 
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Bộ đang triển khai xây dựng Quy chế mới cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, dựa trên cơ sở định hướng phát triển xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước và phát triển thương mại miền núi, biên giới và hải đảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy chế đang trong giai đoạn soạn thảo lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Ngay khi Quy chế được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ thông báo công khai để các địa phương có thể chủ động tham gia.
 
Về hỗ trợ xây dựng thương hiệu, việc hỗ trợ các hiệp hội làng nghề xây dựng phát triển các thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận hay thương hiệu doanh nghiệp thành viên là một nội dung hỗ trợ trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương là đầu mối phối hợp với các đơn vị chủ trì để phát triển một số chương trình trọng điểm. Theo kế hoạch, sẽ lựa chọn 6 ngành hàng chính là thuỷ sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ và cà phê để hỗ trợ phát triển thương hiệu. Sản phẩm là 6 báo cáo tư vấn và xây dựng mô hình phát triển thương hiệu cho 6 ngành hàng.
 
Về liên kết các nhà xuất khẩu cà phê trong nước nhằm chia sẻ thông tin về thị trường đưa ra các chính sách phù hợp, điều tiết lượng xuất khẩu góp phần hạn chế việc ép giá bởi các nhà nhập khẩu và các quỹ đầu cơ, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng dự thảo quyết định về cơ chế, chính sách tiêu thụ, dự trữ cà phê gắn với sản xuất, đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan để hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
 
Đàm Thuần ( Tổng hợp)    

Ý kiến bạn đọc