Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết triệt để vấn đề cử tri quan tâm

22:36, 15/12/2010

Trong đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII, đại biểu HĐND tỉnh đã ghi nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng nhiều kiến nghị, phản ánh của cử tri. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý triệt để. Sau đây là một số nội dung về kết quả giải quyết và trả lời ý kiến cử tri vừa được UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VII vừa qua.

Việc tuyển dụng giáo viên đã thực hiện đúng quy trình

Cử tri phản ánh, việc tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên vào các bậc học và thực hiện quy trình bổ nhiệm chức danh quản lý trong các trường học thuộc ngành giáo dục hiện đang tồn tại nhiều bất cập, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, khắc phục.Theo UBND tỉnh, từ năm 2008 trở về trước, việc tuyển dụng viên chức ngạch giáo viên hàng năm được tổ chức 1 lần vào trung tuần tháng 8 và do Hội đồng Xét tuyển viên chức của tỉnh thực hiện. Thời gian xét tuyển cũng như chỉ tiêu cho mỗi cấp học trực thuộc được niêm yết công khai tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ. Từ năm học 2009-2010 đến nay, việc xét tuyển dụng viên chức ngạch giáo viên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các nội dung như phương án, chỉ tiêu tuyển dụng của từng bậc học, trình độ chuyên môn, thời gian xét tuyển…được thông báo trên đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và niêm yết công khai tại UBND các huyện, Sở Nội vụ. 

a
Công tác tuyển dụng giáo viên đã và đang được thực hiện đúng quy định

Về thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành giáo dục: Thẩm quyền bổ nhiệm chức danh cán bộ quản lý trường học các huyện, thị xã, thành phố đã được phân cấp cho UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác đề bạt bổ nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền. Đối với việc tiếp nhận giáo viên về giảng dạy tại các bậc học trực thuộc được thực hiện dựa trên chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao hằng năm. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sau khi xem xét hồ sơ theo quy định, đồng ý tiếp nhận và có văn bản đề nghị Sở Nội vụ thỏa thuận về việc tiếp nhận. Việc tiếp nhận giáo viên từ nơi khác đến hầu hết với lý do gia đình của viên chức.
 Nhìn chung, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nói chung, viên chức ngạch giáo viên nói riêng đã bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, hằng năm lượng sinh viên tốt nghiệp khá lớn, nhu cầu tìm việc cao nhưng chỉ tiêu và nhu cầu phục vụ công tác giảng dạy đã dần đi đến bão hòa. Vì thế, nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm như cử tri phản ánh là đúng.

Tỉnh không có chủ trương thu các khoản ngoài học phí

 

Theo nhiều cử tri, không ít trường học đề ra các khoản đóng góp cao, dẫn đến nguy cơ học sinh bỏ học.  Học phí năm học 2010-2011 vẫn thu theo mức đã quy định trước đây, cụ thể: cấp Tiểu học không thu; cấp THCS 10.000 đồng/tháng x 9 tháng; cấp THPT 15.000 đồng/tháng x 9 tháng; UBND tỉnh không chỉ đạo thu các khoản gì khác ngoài học phí. Về các khoản đóng góp tự nguyện là do Ban Đại diện cha mẹ học sinh tự nguyện bàn bạc thống nhất với nhà trường và được phép của chính quyền địa phương. Về mặt quản lý Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra để các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định; tuyệt đối không được đề ra các khoản thu không có trong quy định. Qua kiểm tra, nguyên nhân chính của việc học sinh bỏ học là do khả năng học tập hạn chế và một số gia đình không có khả năng cho con em đến trường. Đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường chăm lo tốt hơn nữa việc học tập của các em; các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đưa con em đến trường đúng độ tuổi, bảo đảm con em được tham gia học tập.
 

a
Phụ huynh cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc học của con em mình

Liên quan đến công tác dạy và học, cử tri đề nghị xem xét lại việc dạy tiếng Êđê ở bậc Tiểu học. Theo nội dung trả lời của cơ quan có liên quan,  việc dạy học tiếng Êđê đã góp phần giữ gìn, phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo đồng bào. Trước khi có Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND, ngày 9-7-2010 của HĐND tỉnh về việc tổ chức dạy tiếng Êđê ở bậc Tiểu học và trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương dạy tiếng dân tộc từ 2 – 4 tiết /tuần, tùy theo tình hình cụ thể. Lúc đó, Dak Lak đã triển khai dạy 4 tiết /tuần nhưng từ khi có Nghị quyết trên chỉ dạy 2 tiết /tuần nên không thể xảy ra tình trạng quá tải như cử tri phản ánh.
Về nguy cơ bỏ học của các học sinh không đỗ vào các trường công lập và đề nghị Nhà nước xây dựng các trường bán công. UBND tỉnh cho biết, từ năm học 2010-2011, toàn tỉnh không có trường THPT bán công vì đã chuyển sang công lập. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2009-2010, không cho phép mở lớp bán công trong trường THPT công lập. Do đó tỉnh không thể đáp ứng được yêu cầu theo ý kiến của cử tri. Những học sinh không trúng tuyển vào trường công lập có thể đăng ký học tại Trường THPT Dân lập Phú Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) hoặc đăng ký học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố.
Riêng đề nghị giảm học phí cho con em đồng bào dân tộc tại chỗ là hoàn toàn không thực tế vì học sinh người dân tộc tại chỗ đã được miễn học phí. Nếu có trường hợp nào bị thu học phí, đề nghị cử tri phản ánh cụ thể để UBND tỉnh xử lý. Riêng học phí tự nguyện (phần học thêm của học sinh do nhà trường tổ chức theo yêu cầu của phụ huynh), UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của cử tri, giảm bớt đối với học sinh dân tộc tại chỗ.

 Tiếp tục nỗ lực tạo việc làm mới cho người lao động

Liên quan đến vấn đề việc làm, cử tri đề nghị tỉnh có chính sách giải quyết việc làm cho các sinh viên mới ra trường, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và số lao động đã qua đào tạo được quan tâm đúng mức. Tỉnh đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp như tăng ngân sách cho đầu tư phát triển, thu hút vốn đầu tư, bổ sung ngân sách cho chương trình việc làm, xóa đói giảm nghèo… nhằm phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Ngoài ra còn đầu tư tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm; cho vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động; tổ chức Ngày hội việc làm, Ngày tuyển dụng lao động….

a
Hầu hết lao động làm việc tại HTX Mây tre đan - Dệt thổ cẩm Ea Kao là đồng bào dân tộc tại chỗ

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
- Quy hoạch, kêu gọi, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động;
- Phát triển mạnh khu vực dân doanh, các làng nghề;
- Khuyến khích người lao động vay vốn đầu tư tự tạo việc làm;
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động;
- Nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch việc làm.
Ngoài ra cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động; tăng cường liên kết với các tỉnh để giới thiệu và cung ứng lao động; mở rộng mạng lưới dạy nghề và nâng cao chất lượng công tác này…
Bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền các cấp thì người lao động phải thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến lao động, việc làm; trang bị cho mình một nghề hoặc chuyên môn nhất định để tìm việc làm phù hợp với khả năng và năng lực của bản thân.

Các thôn, buôn chưa có điện sẽ được đầu tư vào thời gian tới

 

Cử tri đề nghị ngành Điện quan tâm làm đường dây hạ thế vào các buôn và một số khu dân cư chưa có điện thắp sáng. Trong giai đoạn 1 Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh, nhiều xã trong tỉnh đã được đầu tư lưới điện. Sau khi có chủ trương đầu tư giai đoạn 2 Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các huyện tổng hợp số liệu về các thôn, buôn chưa có điện còn lại để đề nghị Trung ương đầu tư.
Cử tri một số địa phương thắc mắc việc bàn giao lưới điện đã thực hiện xong nhưng ngành Điện chưa thanh toán tiền đầu tư ban đầu cho dân. Vấn đề này UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương làm việc với Công ty Điện lực Dak Lak sớm giải quyết theo quy định.

a
Kéo điện vào nhà đồng bào ở vùng sâu

Đối với đề nghị xóa đồng hồ tổng, Điện lực Dak Lak đã và đang tiến hành cải tạo lưới điện để bảo đảm chất lượng điện năng cũng như an toàn điện. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, một số tuyến đường trước đây người dân tự đầu tư và dùng chung một công - tơ chưa được cải tạo, Điện lực Dak Lak đang lập phương án đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung phê duyệt. Về cách thức tính giá điện, lượng điện năng sử dụng được ghi tại đồng hồ tổng và Điện lực Dak Lak đang áp dụng biểu giá bán điện bậc thang cho mục đích sinh hoạt theo quy định. Giá điện bán cho các hộ dân theo đồng hồ tổng cao do hệ thống lưới điện xuống cấp, công tác quản lý chưa tốt dẫn đến hao hụt điện năng lớn. Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo bàn giao lưới điện do các HTX, đơn vị ngoài ngành điện quản lý cho Điện lực Dak Lak và sớm xóa các đồng hồ tổng; thực hiện bán điện trực tiếp cho từng hộ dân.

Chưa phát hiện kiểm lâm thông đồng với cơ sở khai thác, chế biến gỗ

Cử tri phản ánh,  nạn phá rừng và khai thác gỗ diễn ra hết sức phức tạp. Đề nghị các cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm khắc, nhất là tình trạng tiêu cực, móc nối giữa lực lượng kiểm lâm với cơ sở khai thác, chế biến gỗ trái phép. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, cụ thể như: Hàng quý UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giao ban với sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan, đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, đồng thời đề ra biện pháp, nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trong quý tiếp theo. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

a
Khai thác thủy tùng trái phép ở hồ Ea Ral (Ea H’leo) diễn ra rầm rộ ngay sau bảng cấm

Về vấn đề tiêu cực, móc nối giữa lực lượng kiểm lâm với cơ sở khai thác, chế biến gỗ trái phép, dù cử tri không nêu cụ thể đơn vị nào nhưng UBND tỉnh cũng đã nghiêm túc xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không riêng TP. Buôn Ma Thuột mà các địa phương khác cũng vậy. Đến nay, chưa phát hiện việc kiểm lâm thông đồng với cơ sở khai thác, chế biến lâm sản trái phép nào như cử tri đề cập.

Tiếp tục nâng cao ý thức phục vụ bệnh nhân

 

Về phản ánh một số y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh thiếu tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, không coi trọng người dân tộc thiểu số.  Thời gian qua, UBND tỉnh đã quán triệt ngành Y tế thực hiện tốt 12 điều y đức để nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử của thầy thuốc đối với bệnh nhân và thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh.

a
Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

UBND tỉnh đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hòm thư góp ý tại các khoa, phòng, thông báo số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bệnh viện và trưởng khoa thường trực 24/24 giờ để cập nhật kiến nghị, phản ánh của bệnh nhân và thân nhân. Hàng tuần, tháng, Bệnh viện phải tổ chức họp Hội đồng người bệnh cấp khoa và toàn bệnh viện để lắng nghe các ý kiến của người bệnh và thân nhân. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả của việc xử lý vẫn chưa đạt được như mong muốn, UBND tỉnh rất mong được sự quan tâm, phản ánh, tham gia góp ý của cử tri để phục vụ được tốt hơn
 

Người dân cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an

 

Cử tri huyện Krông Năng phản ánh: Tình trạng trộm cắp tài sản và gây mất trật tự ở khu dân cư có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trộm cắp chó có sử dụng hung khí đe dọa chủ nhà. Công an bắt được chỉ phạt hành chính nên tình trạng lại tái diễn. Đề nghị ngành Công an có biện pháp cụ thể để phòng ngừa hoặc kiến nghị cấp trên bổ sung, thay đổi khung hình phạt đối với tội danh này. Vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền trả lời của UBND huyện và ngành chức năng Krông Năng. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động có những biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Khi nhận được tin tố giác tội phạm, Công an huyện phải kịp thời chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tiến hành điều tra, ngăn chặn, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân biết. Mặt khác, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, người dân cần báo cho Công an huyện qua đường dây nóng để kịp thời xác minh, xử lý.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

 

Cử tri phản ánh xe chở quá tải làm hỏng đường, vi phạm an toàn giao thông và gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là đoạn đèo Ea Na (tỉnh lộ 2). Mặc dù ở đây thường xuyên có lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông chốt chặn nhưng hiệu quả rất thấp. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra; thay đổi quy luật tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền, vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Riêng chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với hoạt động kinh doanh khai thác đá mỏ Ea Na vi phạm quy định về môi trường; không để tình trạng đất đá rơi vãi ra mặt đường tỉnh lộ và khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

a
Cần quan tâm đến vấn đề an toàn đối với hoạt động của xe buýt

Về phản ánh xe buýt chở quá người: Theo trả lời của UBND tỉnh, tình trạng xe buýt chở quá số người quy định diễn ra khá phức tạp không chỉ ở Dak Lak mà là tình trạng chung của cả nước. Thực trạng này xuất phát từ nhu cầu đi lại quá lớn của hành khách trên một số tuyến đường trọng điểm, giờ cao điểm… Theo quy định hiện hành, không có quy định xử phạt đối với xe buýt chở quá số người quy định. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông – Vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với những trường hợp xe buýt chở quá số người quy định. Đồng thời, chủ động làm việc với các HTX, doanh nghiệp có loại hình xe buýt cần quán triệt, nâng cao nhận thức của tài xế về việc vận chuyển hành khách đúng số lượng theo quy định. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo ngành chức năng thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa đối với vấn đề này.

Một số kiến nghị, phản ánh khác như: công tác giải tỏa, đền bù trong quá trình xây dựng Công trình hồ chứa nước Krông Buk hạ; xử lý doanh nghiệp chậm triển khai dự án; xử lý nước thải ở Cụm công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột…, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lê Ngọc (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.