Multimedia Đọc Báo in

Đại đoàn kết dân tộc - bài học quý từ dấu mốc son trong lịch sử phát triển của dân tộc

10:28, 06/03/2011

Vào mùa Xuân năm Tân Mão 1951 đã diễn ra một trong những sự kiện tạo nên dấu mốc son trong lịch sử phát triển của dân tộc: Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt - một Đại hội đầy sức xuân, sức sống của rừng cây đại đoàn kết dân tộc.

Còn nhớ mùa xuân năm Tân Mão 1951, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn tổng phản công. Yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là thực hiện cho tốt khẩu hiệu “Một dân tộc, một Mặt trận”. Vì thế, từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã tiến hành Đại hội đi đến sự hợp nhất với tên gọi mới là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến và kiến quốc.

Tuyên ngôn của Đại hội c

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I.
ó ghi rõ mục đích của Mặt trận Liên Việt là: “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”. Đại hội khẳng định sự đoàn kết giữa các giai cấp, các tầng lớp trong Mặt trận là đoàn kết lâu dài. Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, lấy công - nông làm nền tảng để kháng chiến, kiến quốc; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa kháng chiến, vừa cải thiện dân sinh; kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn; gắn cuộc kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới. Đại hội cũng đã ấn định Chính cương, Điều lệ mới của Mặt trận Liên Việt theo phương châm: bảo đảm sự đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai.

Có thể nói, việc hợp nhất hai tổ chức Việt Minh - Liên Việt là một quá trình chuẩn bị công phu, kỹ càng nhằm tạo ra những điều kiện cho sự hợp nhất, đó là: hai tổ chức đã có hành động chung, hội viên và nhân dân đã được giải thích, các đoàn thể trong Việt Minh đã được củng cố, việc sắp xếp cán bộ Ban Chấp hành Liên Việt đã được làm xong. Từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã tiến hành tại Việt Bắc, đề ra đường lối tiếp tục đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và đề ra yêu cầu tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò Mặt trận trong tình hình mới. Luận cương cách mạng Việt Nam được Đại hội thông qua có tựa đề “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội” đã phân tích nhiều vấn đề lý luận đường lối cách mạng Việt Nam. Ông Hoàng Quốc Việt đã trình bày trước Đại hội bản báo cáo: “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”, trình bày những chủ trương củng cố và đổi mới tổ chức và cách làm việc của Mặt trận. Đại hội Đảng vừa kết thúc, thì từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951 đã diễn ra Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đây là đại hội công khai đầu tiên của Mặt trận kể từ khi thành lập (11-1930), có đủ đại biểu của cả nước, các ngành, các giới, đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam, các chính đảng, các đoàn thể thành viên, lực lượng vũ trang, các vị nhân sĩ, trí thức, dân tộc, chức sắc tôn giáo có tiếng tăm..., thực sự là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Phát biểu trước Đại hội hôm khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ niềm xúc động và vui sướng được chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng này, Người nói: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Bác chỉ rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Bác còn nhấn mạnh: “Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có bền thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc”. Cũng tại đại hội đó, Bác còn phát biểu: “Tôi rất sung sướng được lãnh cái trách nhiệm kết thúc lễ khai mạc của Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt. Lòng sung sướng ấy là của chung toàn dân, của cả Đại hội, nhưng riêng cho tôi là một sự sung sướng không thể tả, một người đã cùng các vị tranh đấu trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ của nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng”. Người đã nói lên không chỉ niềm vui vô hạn trước sự lớn mạnh của Mặt trận dân tộc thống nhất, mà còn là sự cần thiết phải mở rộng và củng cố Mặt trận cũng như niềm tin vào sự phát triển bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc lâu dài về sau. Điều này được thể hiện trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam, khi Người còn sống cũng như sau khi Người đã mất.

Kế thừa và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người, bước sang thế kỷ 21, tại Đại hội X, Đảng ta từ thực tiễn đã tổng kết thành lý luận về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng nước ta, là bộ phận cấu thành đường lối chung của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc còn là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả dân tộc và toàn dân chỉ trở thành lực lượng to lớn và có sức mạnh vô địch khi được giác ngộ về mục tiêu của dân tộc, đất nước, được tổ chức lại thành một khối vững chắc và theo một đường lối chính trị đúng đắn. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quan trọng, tạo nên những nguồn lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc trước hết là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp thỏa đáng lợi ích của cá nhân, của tập thể và của xã hội. Hiện nay, nước ta đã và đang gặt hái được những thành tựu cơ bản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển. Cơ hội lớn có nhiều, nhưng khó khăn thách thức cũng không hề ít... Sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc ở chiều sâu.

Nguyễn Thị Thọ

-------------------

Tư liệu tham khảo: Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội- NXB Sự thật, HN-1970. Danh nhân Hồ Chí Minh-NXB Lao động, HN-2000.                                                                                              


Ý kiến bạn đọc