Multimedia Đọc Báo in

Những điểm đổi mới của Quốc hội khóa XII , nhiệm kỳ 2007-2011

17:35, 22/03/2011

“Nhìn một cách tổng thể, có thể khẳng định, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn, hành động”, đó là đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong phần trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XII nhiệm kỳ  2007-2011 tại phiên  khai mạc kỳ họp thứ chín, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XII.

Đổi mới trong hoạt động lập pháp và giám sát

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XII, hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, cụ thể trong văn bản pháp luật. Một số khâu trong quy trình lập pháp đã có sự thay đổi, bảo đảm khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn. Việc điều chỉnh thời điểm thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và linh hoạt giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung khi cần thiết và báo cáo Quốc hội; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua, đã tạo điều kiện có thêm thời gian và chủ động hơn trong chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện văn bản.

Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nẩy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và nghị quyết của Quốc hội. Cách thức tiến hành chất vấn được cải tiến theo nhóm vấn đề với sự tham gia của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành; tăng thời gian đối thoại, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn. Việc theo dõi thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn được thực hiện thường xuyên  hơn. Quốc hội đã ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc làm này đã tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Ðảng, Nhà nước, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Ðồng thời là căn cứ để đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là những vấn đề đã hứa trước Quốc hội và cử tri.

Số đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường

Quốc hội khóa XII có 493 đại biểu. Cơ cấu đại biểu nhìn chung bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về bầu cử và tổ chức Quốc hội, có sự kế thừa và phát triển mô hình nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước; bảo đảm hợp lý hơn tỷ lệ, cơ cấu đại biểu Quốc hội. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, điểm mới quan trọng là số đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường với 145 người, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn các cơ quan của Quốc hội và các Ðoàn đại biểu Quốc hội.  

Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng trong các kỳ họp của Quốc hội. Quy trình tiến hành kỳ họp thường xuyên được cải tiến, vừa rút ngắn thời gian, vừa bảo đảm chất lượng. Cụ thể như tiến hành phiên họp trù bị ngay trước phiên khai mạc, rút ngắn được thời gian đọc tờ trình, dự án; rút ngắn thời gian phát biểu mỗi lần của đại biểu; cải tiến công tác tổng hợp, trên cơ sở đó lựa chọn những vấn đề tập trung thảo luận; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được trình bày ngay sau báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 38 phiên thường kỳ theo luật định. Việc xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền tại phiên họp được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục với tinh thần trách nhiệm cao của từng thành viên và tập thể. Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại 5 phiên họp là đổi mới tại nhiệm kỳ này, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, được đại biểu Quốc hội và cử tri hoan nghênh.

Khắc phục tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”

Công tác tiếp xúc cử tri có đổi mới theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hình thức tiếp xúc cử tri phong phú; thành phần tham gia rộng rãi, bước đầu khắc phục tình trạng "đại cử tri", "cử tri chuyên nghiệp". Ðịa bàn tiếp xúc được mở rộng tới các thôn, bản, xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Nội dung, chương trình, thời điểm tiếp xúc cử tri được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số nơi có hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề hoặc theo ngành, giới; kết hợp việc kiến nghị Quốc hội với giải quyết những vấn đề cụ thể, bức xúc tại địa phương, cơ sở. Công tác phối hợp trong tổ chức, phục vụ tiếp xúc cử tri ngày càng được tăng cường. Ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ, phản ánh kịp thời với Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân được triển khai thường xuyên, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc báo cáo công khai ra Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tuy mới thực hiện nhưng đã có tác dụng thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn thư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đ.T


Ý kiến bạn đọc