Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng
Trong suốt cả cuộc đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một kho tàng lý luận to lớn về công tác xây dựng Đảng.
Năm Đinh Mão (1927), Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông (Hội do lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc thành lập năm 1924 ở Trung Quốc) xuất bản cuốn sách “Đường cách mệnh”. Cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc về chủ nghĩa Mác – Lênin, về lịch sử Việt Nam, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ và tư cách một người cách mệnh…
Tác phẩm “Đường cách mệnh” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện thông qua các sự kiện, các câu chuyện lịch sử. Ví dụ: nói về “cách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc đưa ra một định nghĩa hàm súc, chính xác, dễ hiểu: “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Người đưa dẫn chứng: “Ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh. Ngày xưa ai cũng tưởng rằng trời tròn đất vuông, nhân kinh nghiệm và trắc đạc ông ấy mới quyết rằng trái đất tròn và chạy chung quanh mặt trời”.
Nói về vai trò của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Nhiều học giả trong và ngoài nước đã so sánh vai trò nền tảng lý luận trong công tác xây dựng Đảng của “Đường cách mệnh” với báo “Tia lửa” (tờ báo chính trị Mác xít đầu tiên ở Nga ra đời tháng 7-1900) và cuốn sách “Làm gì?” (xuất bản ở Nga tháng 3-1902) do Lênin sáng lập và viết đã đặt nền tảng tư tưởng, lý luận cho các đảng Mác xít.
Bác Hồ và quần chúng nhân dân. (Ảnh: T.L) |
“Đường cách mệnh” ra đời trong năm Đinh Mão (1927) mãi mãi soi đường cho cách mạng nước ta, trong đó có công tác xây dựng Đảng.
Năm Kỷ Mão (1939), từ Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc viết nhiều bài dưới hình thức những bức thư gửi về nước cho Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong bức thư gửi vào tháng 7, Người đã nêu ra những ý kiến chỉ đạo về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) như: Xác định mục tiêu đấu tranh, tổ chức mặt trận rộng rãi đoàn kết toàn dân, thông qua đấu tranh và công tác, Đảng giành lấy địa vị lãnh đạo… Trong các ý kiến chỉ đạo của Bác có hai ý kiến cho đến nay vẫn nguyên giá trị và có tính “thời sự”: “Đảng phải chống tư tưởng bè phái, phải học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác – Lênin” và “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”.
Năm Tân Mão (1951), từ ngày 11 đến ngày 19-2, Người dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng và trình bày bản Báo cáo Chính trị quan trọng tại Đại hội.
Ngày 3-3, trong buổi lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Người đã phát biểu và tóm tắt mục đích của Đảng Lao động Việt Nam gồm 8 chữ “Đoàn kết dân tộc, phụng sự Tổ quốc” và nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam là “kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến: kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.
Ngày 25-3, với bút danh C.B, Người viết bài cho báo “Nhân dân” nhan đề: “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?” Bài viết nêu rõ: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt Đảng và Chính phủ để giải thích chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ mà vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo lời mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Năm Quý Mão (1963), ngày 3-2, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 33 ngày thành lập Đảng, Người viết bài: “Nhân dịp mừng Đảng ta 33 tuổi” đăng trên báo “Nhân dân”. Bài báo có đoạn: “Trong 33 năm đó, Đảng ta đã trải qua nhiều phen thử thách gian nan, đã tiến hành những cuộc đấu tranh anh dũng và đã thu được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Đảng ta đã từ mấy nhóm người cách mạng lẻ tẻ trở nên một đội tiên phong hùng mạnh gồm hơn 50 vạn đảng viên.
Đảng như biển cả non cao,
Băm ba năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Ngày 17-10, Người về thăm và nói chuyện với Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Bắc lần thứ nhất. Nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết trong Đảng, Người nói: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công: Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết… muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ”.
Trương Tử Kỳ
----------------
Tư liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: “Về Đảng cầm quyền”, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, các trang 139 đến 142
- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh, những sự kiện”, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, các trang: 51, 52, 53, 70, 71, 72, 165 đến 174, 336, 337
-“ Từ điển triết học” NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, Tr 409, 450 (mục: Lênin Vơ-la-đi-mia Ilích)
Ý kiến bạn đọc