Multimedia Đọc Báo in

Vị thế và bản lĩnh của Quốc hội ngày càng cao

10:00, 29/03/2011

Ngày 28-3, thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XII tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều khẳng định, tuy nhiệm kỳ 2007 – 2011 chỉ có 4 năm, nhưng hoạt động của Quốc hội khóa XII đã đạt được những hiệu quả thiết thực, rõ nét; vị thế Quốc hội không ngừng được nâng cao và người dân ngày càng tin tưởng vào những quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhấn mạnh, Quốc hội đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Điều đó được thể hiện qua văn hóa tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn cũng như đưa ra những quyết định. Đại biểu cũng khẳng định, bản lĩnh Quốc hội nói chung, từng đại biểu nói riêng ngày càng tăng cao, thẳng thắn lên tiếng vì lợi ích nhân dân. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng Báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện các mặt công tác và thẳng thắn chỉ ra tồn tại. “Quốc hội khóa XII hoạt động 4 năm trong tình hình đất nước nhiều biến động, nhưng nhờ đổi mới hoạt động, cách thảo luận nên nhiều dự án luật, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được làm rõ và có quyết định phù hợp, để lại ấn tượng ngày càng cao trong cử tri”, đại biểu nhấn mạnh. Đây là khóa Quốc hội đầu tiên tranh luận theo nhóm vấn đề và chất vấn tại hội trường theo nhóm vấn đề. Ý kiến các đại biểu cho rằng đây là cách làm hiệu quả và được cử tri cả nước hoan nghênh. Các Đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế trên cả 3 lĩnh vực công tác của Quốc hội: xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, công tác lập pháp ngày càng được cải tiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến và thống nhất trong toàn hệ thống. Nhưng chương trình lập pháp thay đổi nhiều, một số chưa chuẩn bị tốt, nhiều luật cấp thiết chậm được nghiên cứu, sửa đổi (tiêu biểu là Luật Đất đai), tình trạng “luật khung, luật ống” vẫn còn. Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đồng tình: “Quốc hội cần phải quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các cơ quan chuẩn bị Luật phải bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án Luật. Quốc hội cũng không nên nể nang khi “cho qua” nhiều điểm chưa nhận được sự đồng thuận cao trong các dự Luật”. Ngoài Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP. Hồ Chí Minh) còn đề nghị Quốc hội dành ưu tiên xây dựng, thông qua Luật Biển. 

Liên quan đến công tác giám sát chuyên đề, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, công tác giám sát thời gian qua đã chuyên nghiệp và thiết thực hơn, nhưng quỹ thời gian dành cho hoạt động này còn hạn chế, việc thực hiện kết luận sau giám sát chưa được đảm bảo. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, có cơ chế chính sách thỏa đáng đối với đại biểu và động viên những đại biểu Quốc hội có những đóng góp tích cực, phát biểu nhiều ý kiến xác đáng. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị xem xét, tổ chức lại mô hình Đoàn đại biểu Quốc hội để tăng tính hiệu quả của mô hình này. Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho rằng, hoạt động của Quốc hội vẫn còn tính “bị động, theo sau”, ví dụ như trong việc phê chuẩn quyết toán ngân sách hay dự toán ngân sách.

H.T (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc