Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế còn bất cập

09:46, 08/11/2011

Hôm qua (7-11), Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ: Đoàn giám sát đã làm việc, khảo sát thực tế tại 19 tỉnh, thành phố; 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xem xét báo cáo của các bộ có liên quan, của UBND từ 58 tỉnh, thành phố và báo cáo giám sát của 12 Đoàn Đại biểu QH. Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế còn bất cập, chưa thực sự thường xuyên; bộ máy quản lý môi trường tại các địa phương và ban quản lý ở một số khu kinh tế còn lúng túng về cơ chế hoạt động và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu nhân lực, phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế còn thiếu, chưa đồng bộ, chồng chéo. Nhiều kết quả thanh tra của ban quản lý khu kinh tế chưa được xử lý một cách triệt để, mức xử phạt thấp chưa đủ mức răn đe.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do vẫn còn tư tưởng tập trung kêu gọi đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Trình độ công nghệ sản xuất tại các khu kinh tế nhìn chung ở mức trung bình, dẫn đến hậu quả môi trường trong tương lai là không tránh khỏi.

Đoàn giám sát đề nghị thời gian tới Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo sát sao, quyết liệt bởi với sự phát triển của các khu kinh tế trong tương lai nếu số lượng các nhà máy được xây dựng xong và đi vào hoạt động nhưng việc bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.

Theo tổng hợp của đoàn giám sát, Việt Nam hiện có 4.545 làng nghề, trong đó có 1.324 làng nghề được công nhận và 3.221 làng có nghề. Một phần không nhỏ các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm môi trường, có nơi đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tuy tương đối đầy đủ nhưng nhiều quy định thiếu khả thi nên việc tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu QH cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong các khu kinh tế và làng nghề. Đa số các đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, trong đó có những quy định cụ thể về khu kinh tế và làng nghề; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí bổ sung về một số quy định liên quan đến bảo vệ môi trường; ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng có chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp Luật Bảo vệ môi trường đủ mạnh và khả thi. Các đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định thiếu thống nhất, chồng chéo, không phù hợp với các luật đã ban hành; tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tại các bộ, ngành, địa phương; tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho công tác bảo vệ môi trường bằng những chính sách phù hợp. Trước mắt ngay tại kỳ họp này, đề nghị QH ra Nghị quyết về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề”.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc