Multimedia Đọc Báo in

2012: Phấn khởi, tự tin...

10:20, 30/12/2011

Chia tay năm 2011 mang đậm dấu ấn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh - các cấp các ngành bước vào năm mới 2012 với tâm thế tràn đầy phấn khởi, tự tin, quyết tâm hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ đã đề ra, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển…

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch tỉnh: Xúc tiến thu hút đầu tư có trọng tâm, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh
Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch là một chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà giai đoạn 2011-2015. Năm 2011, công tác này đã đạt những kết quả khả quan, đặc biệt công tác xúc tiến thu hút đầu tư mang lại hiệu quả cao, góp phần thu hút 47 dự án đầu tư với số vốn đăng ký ước tính gần 2.000 tỷ đồng. Trong năm tới, công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tập trung vào một số nội dung cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn. Về xúc tiến đầu tư, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành đi xúc tiến, mời gọi đầu tư tại các tổng công ty, tập đoàn, các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín, cụ thể như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam...; tham gia đầu tư các nhà máy chế biến cao su, cà phê, thức ăn gia súc, phân bón, sản xuất bánh kẹo, nước ép trái cây; chủ động liên hệ và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để kết nối thông tin và mời gọi, tham mưu chủ trương đầu tư; phấn đấu thu hút khoảng 50 dự án thuộc các lĩnh vực (chú trọng đến các dự án chế biến nông sản, dự án du lịch). Về xúc tiến thương mại, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh như: sản phẩm cà phê chế biến cà phê mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Buôn Ma Thuột”, ong mật, cao su, hồ tiêu, đồ gỗ rừng trồng, hàng thủ công mỹ nghệ…; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ qua các hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước. Trong năm dự kiến tham gia hội chợ triển lãm tại Myanmar và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Quảng bá sản phẩm truyền thống của tỉnh tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2011.   Ảnh: N.H
Quảng bá sản phẩm truyền thống của tỉnh tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2011. Ảnh: N.H

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội ngày càng nặng nề vì diện đối tượng đang được mở rộng bởi hàng loạt chính sách mới; sự biến đổi khôn lường của thời tiết, khí hậu khiến thiên tai xảy ra bất thường, gây hậu quả xấu trong đời sống, sản xuất của nhân dân đòi hỏi công tác cứu trợ, bảo trợ cần được tăng cường kịp thời, chính xác. Trong năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐTB&XH tỉnh là giải quyết việc làm và công tác bảo trợ, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của tỉnh về chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2012 (năm 2011 vẫn thực hiện theo chính sách cũ) trên cơ sở Nghị quyết 80 (ngày 19-5-2011) của Chính phủ. Với chính sách mới này, công tác giảm nghèo sẽ được tập trung nguồn lực, đầu tư cho những vùng cần ưu tiên trong tỉnh mà không phân tán, dàn trải như những năm trước. Công tác Bảo trợ xã hội, ngoài việc chú trọng đến nâng cao mức sống cho đối tượng chính sách, còn tập trung chăm lo đời sống tinh thần, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe và nhà ở, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Mục tiêu năm 2012 phải giải quyết việc làm cho 25.200 lao động trong tỉnh (trong đó số lao động cần giải quyết việc làm mới tăng thêm 13.800 người), giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 6,5%, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,96%...

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chủ đạo của ngành LĐTB&XH trong năm 2012. Ảnh: H.N
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chủ đạo của ngành LĐTB&XH trong năm 2012. Ảnh: H.N

Tỉnh Đoàn Dak Lak: Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên qua các phong trào thi đua thiết thực  
Năm 2011, thông qua nhiều hoạt động với các chủ đề: vì người nghèo, bảo vệ môi trường, vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vì biên cương Tổ quốc... công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bước sang năm 2012, tiếp tục đẩy mạnh công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, đổi mới hoạt động của tổ chức Đoàn để có những tìm tòi, sáng tạo phù hợp với tình hình mới. Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức tư tưởng bằng cách đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn thông qua các phong trào, các cuộc vận động. Những công trình mang dấu ấn thanh niên như “Tham gia xây dựng nông thôn mới” sẽ là nơi tập hợp, thu hút thanh niên, là môi trường để rèn luyện, thử thách cán bộ quản lý. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, việc làm cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số tại chỗ bằng những mô hình kinh tế phù hợp, nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định cho thanh niên thông qua các chương trình, chính sách của Đoàn và của các dự án phát triển kinh tế nông thôn; nhân rộng những mô hình hay, mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao để thanh niên học tập, ứng dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên, kiện toàn tổ chức Đoàn ở cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh bổ ích trong thanh niên như: thành lập các Câu lạc bộ, Hội Thầy thuốc trẻ, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ ở tất cả các huyện, thị xã; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng để vị thế của đoàn viên, thanh niên các dân tộc Dak Lak ngày càng nâng cao, có sức lan tỏa trong xã hội.

Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Cư Né, huyện Krông Buk.  Ảnh: T.A
Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Cư Né, huyện Krông Buk. Ảnh: T.A

Ngành Y tế: Nhiều giải pháp  nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Năm 2011, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp: dịch bệnh tay, chân, miệng diễn ra đột xuất với số người mắc tăng cao; bệnh sốt rét tuy có giảm về số người mắc nhưng số trường hợp sốt rét ác tính lại tăng mạnh… Chính vì thế, năm 2012, nhiệm vụ số 1 của ngành Y tế là tập trung phòng chống dịch bệnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành sẽ triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000; đồng thời xây dựng thêm bộ phận khám bệnh nghề nghiệp, labo xét nghiệp và chuẩn hóa các quy trình… Bên cạnh đó, ngành sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để củng cố hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, đặc biệt xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt Chuẩn quốc gia về y tế dự phòng (kinh phí đầu tư dự kiến khoảng từ 3-5 tỷ đồng trích từ ngân sách Nhà nước). Sự đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẽ là cơ sở để ngành giải quyết tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, thực hiện đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và tăng cường công tác giám sát, bảo đảm mục đích yêu cầu các chương trình đề ra.

Song song với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, việc duy trì chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật cao cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Y tế. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, ngành cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế. Đến thời điểm này đã có 8 bệnh viện tư nhân được cấp phép xây dựng, gồm các Bệnh viện Đa khoa: Thiện Hạnh, Nhân An, Vạn An, Đất Việt, Hòa Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền Minh Hải, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phụ sản Tây Nguyên. Dự kiến trong năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh nâng quy mô từ 100 lên 400 giường và Bệnh viện Phụ sản Tây Nguyên sẽ đi vào hoạt động.

Ngành Y tế diễn tập phòng chống cúm A/H1N1. Ảnh: K.O
Ngành Y tế diễn tập phòng chống cúm A/H1N1. Ảnh: K.O

Huyện Krông Pak: Phát triển kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ - thương mại, thực hiện sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
Mục tiêu phương hướng trong năm mới của Đảng bộ và chính quyền huyện Krông Pak là: Tăng cường củng cố kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân toàn tỉnh, quan tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ - thương mại và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, phấn đấu duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên 13%; thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân đạt 724kg/người/năm…

Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Krông Pak trong năm mới 2012.                                                                            Ảnh: H.N
Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Krông Pak trong năm mới 2012. Ảnh: H.N


Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak: Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng
Trong năm 2012, Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak sẽ tiếp tục cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mới theo hướng phục vụ an sinh xã hội, bảo hiểm tích hợp 3 yếu tố “Bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư” nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu và mong muốn của khách hàng, như: An sinh giáo dục, An gia phát lộc, An gia tài lộc, An khang thịnh vượng, Gia phát hưng gia, An phát trọn đời, An phúc gia lộc... Cùng với đó, Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak cũng sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng nhằm mang lại cho khách hàng nhiều giá trị gia tăng. “Hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một nụ cười” - đó là phương châm mà Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak quyết tâm thực hiện. Bước vào năm mới 2012, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục mở rộng và giữ vững thị phần, việc đầu tiên mà Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak hướng đến thực hiện là tất cả cán bộ công nhân viên, tư vấn viên, thu ngân viên công ty thể hiện nét văn hóa riêng trong cung cách phục vụ, tạo ra điểm khác biệt đầy ấn tượng với mọi người, đặc biệt là đối với khách hàng theo đúng nghĩa “Phục vụ khách hàng tốt nhất để phát triển”. Khi có nhu cầu tham gia bảo hiểm, khách hàng sẽ được cán bộ, nhân viên trợ giúp, tư vấn lựa chọn loại hình bảo hiểm, sử dụng các dịch vụ phù hợp để có được hiệu quả cao nhất. Trong quá trình tham gia bảo hiểm, khi phát sinh vướng mắc hoặc xảy ra sự kiện bảo hiểm, đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng sẽ có mặt kịp thời, tích cực hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục để hưởng quyền, lợi ích của mình theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Với một phong cách phục vụ được xây dựng trên những truyền thống sẵn có của mình, Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak đang hướng đến sự chuyên nghiệp thực sự cho toàn thể cán bộ, nhân viên.

Khách  hàng mua bảo hiểm tại Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak. Ảnh: L.N
Khách hàng mua bảo hiểm tại Bảo Việt Nhân Thọ Dak Lak. Ảnh: L.N

Trung tâm đào tạo nghề Dak Lak (Trường Trung cấp Nghề số 5, Quân khu 5): Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học
Trung tâm đào tạo nghề Dak Lak là đơn vị làm kinh tế, đảm nhận công tác đào tạo nghề miễn phí cho học viên là quân nhân xuất ngũ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi năm, trung tâm đào tạo hàng trăm học viên thuộc đối tượng trên ở các nghề: sửa chữa máy nông nghiệp, xe ô tô, xe gắn máy, cơ khí hàn, lái xe… bước đầu đáp ứng được nhu cầu học nghề, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho thanh niên. Trước yêu cầu đào tạo ngày càng cao cũng như đòi hỏi khắt khe của các nhà tuyển dụng về chất lượng, tay nghề học viên, năm 2012 Trung tâm đã có kế hoạch đầu tư kinh phí, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, đảm bảo phục vụ công tác dạy và học tốt hơn. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu của Trung tâm là khẩn trương xây dựng khu nhà nội trú, giải quyết nhu cầu về chỗ ăn ở cho từ 50 đến 60 học viên mỗi khóa. Trung tâm tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp, các cơ sở cơ khí, giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường. Hiện tại, Trung tâm đã thống nhất được với các nhà tuyển dụng của Tập đoàn Mai Linh để ưu tiên tiếp nhận lao động là lái xe được đào tạo tại trung tâm. Ngoài ra, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm cũng đã có kế hoạch phân công, bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy  giỏi để đưa về các vùng nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học viên, nhất là học viên người dân tộc thiểu số.

Học viên là quân nhân xuất ngũ được học nghề miễn phí tại Trung tâm.      Ảnh: Đ.T
Học viên là quân nhân xuất ngũ được học nghề miễn phí tại Trung tâm. Ảnh: Đ.T

Đồn Biên phòng 739: Giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng
Đồn Biên phòng 739 được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 8,5 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia và phụ trách địa bàn xã Ea Bung (huyện Ea Súp). Trong năm 2011, song song với việc tổ chức tốt công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế; đơn vị còn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tự lực tự cường, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, không để xảy ra trường hợp vi phạm quy chế biên giới… được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh công nhận danh hiệu thi đua Quyết thắng. Tiếp tục phát huy những kết quả trong năm qua, năm 2012 đơn vị đã xác định một số nhiệm vụ then chốt, đó là tập trung đẩy mạnh công tác hậu cần, tài chính kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn phụ trách. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy, triển khai xây dựng một đến hai mô hình giúp dân phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ an ninh quốc gia.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng 739 trên đường tuần tra.  Ảnh: Đ.T
Chiến sĩ Đồn Biên phòng 739 trên đường tuần tra. Ảnh: Đ.T

Ngọc Hoa – Kim Oanh – Tuấn Anh – Huyền Nhung – Lê Ngọc – Đăng Triều (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc