Multimedia Đọc Báo in

Để tội phạm gia tăng, Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an chịu trách nhiệm

22:47, 05/12/2011
Đó là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (Ban chỉ đạo 138 Trung ương) Nguyễn Xuân Phúc  tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới được tổ chức ngày 5-12.

Sau khi Chỉ thị 48 ban hành, các bộ, ban, ngành, cấp ủy vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhận thức của các tầng lớp cán bộ, nhân dân về công tác phòng chống tội phạm chuyển biến mạnh mẽ. Các cơ quan chuyên trách đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Nhiều vụ án lớn đã được điều tra kịp thời, phá án thành công. Thông qua tuần tra kiểm soát cũng đã phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức ở các địa phương đã thu được những kết quả.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, cơ quan thường trực là lực lượng Công an đã phối hợp với các cấp, các ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; xác lập nhiều chuyên án, điều tra triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm nguy hiểm, nhiều tổ chức đường dây ma túy lớn, phát hiện điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng; xóa bỏ nhiều tụ điểm phức tạp về hình sự, tệ nạn xã hội và ma túy.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp đã phối hợp làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Đến nay, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình về phòng, chống tội phạm, thông qua hoạt động của các mô hình đã xuất hiện tấm gương quần chúng dũng cảm tham gia tấn công trấn áp tội phạm.

Tuy  nhiên, công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả còn thấp, tình hình tội phạm được kiềm chế nhưng chưa giảm, nguồn lực đầu tư chưa cao. Việc thể chế hóa đường lối chủ trương còn chậm, một số ngành, địa phương triển khai chưa thực sự hiệu quả, còn hình thức. Nguyên nhân là do ở một số địa bàn cơ sở, công tác chỉ đạo chưa được tập trung đầy đủ, đúng mức nên chưa huy động tối đa được sức mạnh của toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Việc triển khai thực hiện  một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Phong trào toàn dân lên án, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đã có chuyển biến nhưng chưa mạnh.

Để bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là lực lượng công an phải xác định trách nhiệm lãnh đạo đối với công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài từ Trung ương đến cơ sở, lấy việc triển khai ở cấp xã phường là trọng tâm, xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp để chỉ đạo quyết liệt.

“Ở đâu để tội phạm gia tăng, Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng bao che, dung túng cho tội phạm hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn chinhphu.vn

 

 


Ý kiến bạn đọc