Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị lấy ý kiến về việc tổng kết Hiến pháp năm 1992

10:04, 05/12/2011

Ngày 4-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Dak Lak tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về việc tổng kết Hiến pháp năm 1992. Tham dự Hội nghị có ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ban Thường trực và các thành viên của Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý kiến làm rõ các vấn đề về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và về hai chế định Chế độ chính trị, Bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp; chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các ý kiến phát biểu đều cho rằng: nhu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất rõ ràng và bức thiết, thể hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, trong đó cần bổ sung và phát triển thêm các quyền dân chủ trực tiếp như quyền phát biểu, quyền biểu quyết và nhất là quyền phúc quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần quy định về quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và phát động phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay vai trò của MTTQ tham gia phản biện xã hội chưa được nhận thức đúng và coi trọng nên chưa phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức; các ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân vẫn chưa được sửa đổi kịp thời. Do đó, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung phải đề cập đến vấn đề phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và cần có cơ chế, chính sách, chế độ phù hợp cho cán bộ Mặt trận, có cơ sở pháp lý cụ thể để Mặt trận tham gia đóng góp các ý kiến vào các dự thảo hoạch định chính sách của Nhà nước.

Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng thời, cần quy định thêm về trách nhiệm của tổ chức chính trị, của Nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật và nhân lực, vật lực, bộ máy… để MTTQ Việt Nam đủ mạnh, xứng tầm là một tổ chức liên minh chính trị. Mặt trận có vai trò quan trọng đặc biệt, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy, hoạt động giám sát của Mặt trận cần được cụ thể hóa bằng một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc