Buôn Ma Thuột hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên
22:30, 23/01/2012
Không chỉ là một địa danh nổi tiếng về truyền thống cách mạng, văn hóa, TP.Buôn Ma Thuột còn giữ một vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, từ một đô thị loại IV năm 1975, đến nay Buôn Ma Thuột đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đang tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại, khẳng định vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Trong những năm qua, TP.Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển nhanh về kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm thời kỳ 2001-2010 đạt 14,52%, trong đó thời kỳ 2001-2005 đạt 11,38%; thời kỳ 2006-2010 đạt 17,66%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá: năm 2001, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng trong GDP chiếm 26,91%, tăng lên 32,11% năm 2005 và 45,4% năm 2010; dịch vụ có tỷ trọng là 38,2% năm 2001, tăng lên 46,31% năm 2005 , 48,5% năm 2008 và 45,08% năm 2010. Thu ngân sách tăng bình quân trên 20%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 29 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Trung bình hằng năm có 5.760 lao động mới được tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2010 còn 2,28%. Trung bình mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,05% so với tổng số hộ dân toàn thành phố.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Bên cạnh sự phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, Buôn Ma Thuột được xác định có nhiều lợi thế về vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, một trong những trung tâm công nghiệp vùng, đầu mối giao thông liên vùng quan trọng có điều kiện phát triển giao lưu kinh tế giữa Tây Nguyên và cả nước; có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối phát triển, hệ thống các trường học, bệnh viện được đầu tư hiện đại. Với những lợi thế như vậy, Dak Lak đã định hướng phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2020 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; trong đó tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, GD-ĐT, y tế, thể thao và dịch vụ; duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đầu tư phát triển đô thị từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng sống của nhân dân; phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; củng cố quốc phòng-an ninh. Cụ thể, về kinh tế, đến năm 2015, GDP tăng gấp 2,16 lần và đến năm 2020 gấp 2,1 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 16-17%/năm và năm 2020 đạt 15-16%/năm. Về xã hội, đến 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và đến 2020 cơ bản không còn hộ nghèo; đến 2015 có 15 bác sĩ/1 vạn dân, trên 60% trường đạt Chuẩn quốc gia và đến 2020, có 18 bác sĩ/1 vạn dân và 65% trường đạt Chuẩn quốc gia. Về quy hoạch đô thị, đến 2015 thực hiện quy hoạch các phân khu chức năng, khu đô thị mới đạt 70% diện tích tự nhiên trong khu vực nội thành, xây dựng mới 2-3 khu đô thị mới bảo đảm tiêu chí của đô thị loại 1; đến 2020, thực hiện quy hoạch các phân khu chức năng đạt 100% diện tích và xây dựng mới 3-4 khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ.
Ngã 6 về đêm. Ảnh: Hoàng Gia |
Với những định hướng như vậy, vừa qua, Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2025 và Đề án xây dựng phát triển TP.Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012-2020. Theo đó, quy hoạch chung xác định tầm nhìn của thành phố đến năm 2025 sẽ là một đô thị nối kết (Hub City) với các đầu mối kinh tế như: giao thông, thương mại, công nghiệp-công nghệ cao, giáo dục - y tế, TDTT...; có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là thành phố bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên và duy trì, phát huy tốt các bản sắc văn hóa vùng. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển trong tương lai, thành phố dự kiến được thực hiện theo 3 chiến lược quy hoạch phát triển không gian: Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông và các trung tâm kinh tế, xã hội cấp vùng; thành phố phát triển bền vững gắn với thiên nhiên, vùng sinh thái rừng và cây công nghiệp; thành phố mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên.
Những mảng xanh trong lòng phố. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong tương lai, đô thị Buôn Ma Thuột cơ bản được cấu trúc chính bao gồm hai vùng: vùng phát triển đô thị - nội thị và vùng vành đai xanh. Trong đó, vùng phát triển đô thị bao gồm các khu đô thị hiện hữu cải tạo (nâng cấp cải tạo các khu trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại...; các khu ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội đô thị; cải tạo môi trường các khu phố cũ, các dòng suối và khu vực hành lang dọc suối; phát triển và giữ gìn sắc thái truyền thống của các buôn làng, khuyến khích các khu nhà vườn trong khu trung tâm thành phố, tạo sắc thái riêng cho đô thị Tây Nguyên). Bên cạnh đó, phát triển thêm các khu đô thị mới như: Khu đô thị phía Đông Bắc; khu đô thị Sân bay; khu đô thị văn hóa-thương mại-y tế; khu đô thị đại học; khu đô thị sinh thái. Ngoài vùng đô thị lõi, còn có các khu – vùng du lịch lớn gắn với mặt nước-cây xanh; các khu công nghiệp, kho tàng lớn; vùng chuyên canh cây công nghiệp và tái tạo rừng. Thành phố cũng sẽ bố trí các trung tâm chuyên ngành như: Trung tâm giáo dục - đào tạo; trung tâm thương mại dịch vụ; trung tâm y tế; trung tâm thể dục - thể thao gắn với cây xanh, quảng trường và trung tâm tài chính. Theo quy hoạch, hệ thống giao thông của thành phố sẽ tập trung vào đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đối với đường bộ, sẽ có tuyến tránh trung tâm thành phố với tính chất là đường cao tốc thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh; cải tạo nâng cấp các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và Tỉnh lộ 8, 1, 2, 5; xây dựng các bến xe liên tỉnh phía Bắc, bến xe liên tỉnh phía Nam, bố trí xây dựng mới 2 bến xe tải, 1 bến xe khách và 1 bến xe tổng hợp làm đầu mối về vận tải hàng hóa và hành khách. Về đường sắt, tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, vị trí ga sẽ đặt gần điểm giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 26. Tiếp tục cải tạo nâng cấp Cụm cảng hàng không và sân bay Buôn Ma Thuột, trong đó cấp hạng sân bay sẽ là 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Ngoài ra, các hệ thống cấp thoát nước, điện, thoát nước thải và thu gom rác, nghĩa trang của thành phố cũng được quy hoạch phù hợp với quy mô dân số và phát triển cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn: đến 2015, đến 2020 và đến 2025.
Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trong tương lai theo đúng các định hướng đề ra, thực sự là một đô thị văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của tỉnh và thành phố, nhất là trong việc tập trung cải tạo nâng cấp các tuyến Quốc lộ qua đô thị; phát triển các dự án giao thông vành đai và giao thông nội thị; dành quỹ đất thích hợp cho các trung tâm vùng trong tương lai; siết chặt lại việc quản lý hệ thống sông suối và ven suối khu vực nội thị; xây dựng kế hoạch phát triển vùng xanh bao quanh nội thị; hạn chế phát triển tràn lan các khu dân cư theo các trục lộ; lựa chọn và bảo tồn tốt khoảng 5-7 buôn làng đặc trưng Tây Nguyên; ưu tiên cho phát triển công nghệ sạch, ít ô nhiễm, gắn với nghiên cứu sinh học, sinh hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và cây công nghiệp...
Hồng Việt
Ý kiến bạn đọc