Multimedia Đọc Báo in

Về vùng căn cứ năm xưa

22:28, 19/01/2012

Trở lại buôn Băng Phok (nay là buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) hôm nay, di chứng của bệnh phong vẫn còn đâu đó trong từng mái nhà, từng cơ thể… Nhưng đồng bào vẫn đầy nghị lực sống, một lòng tin theo Đảng để chung sức chăm lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no. “Làng phong”- khu căn cứ H11 năm xưa, nay đang có nhiều khởi sắc…

Từ trung tâm huyện, vượt qua hơn 10 km, buôn Ea Bhốk yên ả bên những con đường quanh co, đi qua nhiều vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt, có không ít những nóc nhà xây mọc lên. Buôn trưởng Đào Huy Cường cởi mở nói: “Làng phong- khu căn cứ H11- giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi…”.

Ký ức về vùng căn cứ

Buôn Ea Bhốk từng là khu căn cứ cách mạng H11 trong kháng chiến chống Mỹ. Theo Y Bá Byă (82 tuổi), người được xem là lớn tuổi nhất, nhì trong buôn kể lại, những thập niên 60 của thế kỷ trước, các bệnh nhân nhẹ của Trại phong Ea Na được đưa về đây để điều trị và sinh sống. Thời gian ấy, buôn Băng Phok, được mệnh danh là “làng phong”, lúc nào cũng có từ 40 - 50 bệnh nhân. Cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, càng khốn khó hơn với những bệnh nhân phong, bao khát khao của họ bị mòn dần theo đôi tay không được lành lặn, song, những người con buôn Băng Phok đã sớm giác ngộ cách mạng. Bệnh phong - căn bệnh một thời từng bị xa lánh, cách ly vô tình lại “lợi hại” để hoạt động bí mật. Nhiều người lợi dụng bản thân là bệnh nhân, tranh thủ sự mất cảnh giác của địch để tiếp tế lương thực, nuôi giấu bộ đội. Buôn Ea Bhốk trở thành một vùng căn cứ cách mạng, đùm bọc, che chở và bảo vệ bộ đội mỗi lần về cứ. Chính Y Bá cũng là một trong những trường hợp ấy. Hai vợ chồng Y Bá cùng tham gia hoạt động cách mạng, nghĩ ra cách bỏ gạo, muối vào trong chiếc bầu đựng nước để tiếp tế cho chiến sĩ. Ngoài ra, ông còn tham gia, vận động dân làng lần lượt đi theo Đảng. Nhớ có lần, ông lặn lội lên tận thị xã Buôn Ma Thuột để mua vải đỏ về nhà khâu cờ Tổ quốc, chẳng may bị địch phát hiện. Lần ấy, ông phải ngồi tù hơn 3 tháng mới được thả… nhờ đôi chân bị bệnh phong (?!). Với Y Sem Ksơr, năm nay dù đã qua 54 mùa rẫy nhưng những năm tháng chiến đấu, tiếp tế lương thực, nuôi giấu bộ đội, ông không thể nào quên. Trong buôn có cán bộ cách mạng nằm vùng, nhà Y Sem là một cơ sở nuôi giấu. 12 tuổi, Y Sem đã theo người lớn đi tiếp tế lương thực cho cán bộ. Khi được cử đi tập huấn tại thị xã Buôn Ma Thuột, ông có điều kiện tìm hiểu về lý tưởng, mục tiêu của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Những ngày hè sau đó trở về buôn, Y Sem càng hăng hái tham gia hoạt động, ông được giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình địch, rải truyền đơn tại các buôn làng. Còn ông Y Tlop Niê, năm nay đã 73 tuổi, kể, tự nhiên thấy trên da xuất hiện những vết bỏng ở khắp chân tay, không có cảm giác đau, rát, đi khám thì được bác sĩ cho biết, ông đã mắc phải căn bệnh phong rồi được đưa về đây. Đó cũng mở đầu cho những chuỗi ngày bí mật hoạt động, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng của ông. Vừa điều trị, ông vừa tham gia tuyên truyền cách mạng, tiếp tế lương thực dưới hình thức là một cộng tác viên y tế. Cũng có khi lẫn trong những vỉ thuốc mà ông đến tận nhà phát cho bệnh nhân là từng tờ truyền đơn, lá cờ Tổ quốc được gói thật gọn ghẽ và cẩn thận hay một ít muối, gạo chờ bộ đội ta đến lấy… Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cán bộ và nhân dân vùng căn cứ H11- buôn Ea Bhốk vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng 3.

Vừa chăm lo phát triển kinh tế, bà con buôn Ea Bhốk vẫn nỗ lực gìn giữ những nếp nhà sàn.
Vừa chăm lo phát triển kinh tế, bà con buôn Ea Bhốk vẫn nỗ lực gìn giữ những nếp nhà sàn.

Buôn Ea Bhốk hôm nay     
Vào trong từng ngôi nhà ở buôn Ea Bhốk bây giờ, có không ít những Bằng khen, Huân chương Kháng chiến được người dân nâng niu cất giữ, treo ở một góc trang trọng nhất, và nhiều trường hợp bị di chứng nặng phải cắt bỏ một phần chi, có người đã bị cụt hết ngón chân, co tay, thậm chí phải tháo khớp-nhưng vẫn một lòng kiên trung, tin theo Đảng, cách mạng. Buôn phó Y Brah Niê phấn khởi nói, hằng ngày, sau những giờ lên nương rẫy, ông vẫn đến từng nhà, vận động bà con, bảo ban con cháu xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện các quy định của pháp luật.

Nói rồi, Y Brah bồi hồi nhớ lại, trước năm 2000, đời sống người dân trong buôn vô cùng khó khăn, lúa gạo làm ra chưa đủ ăn, lấy đâu làm giàu. Hầu như năm nào, vào mùa giáp hạt, người dân trong buôn cũng sống nhờ vào gạo cứu đói… Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng với sự tìm tòi, suy nghĩ nên đời sống của bà con nơi đây đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã biết đầu tư, chăm chỉ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Buôn hiện có 173 hộ với 757 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 42%. Buôn Ea Bhốk nhiều năm liền được công nhận Thôn, Buôn văn hóa cấp huyện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, toàn buôn có 33 hộ nghèo. Người dân trong buôn chủ yếu sống bằng nghề nông, có trên 70 ha đất trồng cà phê. Nhờ biết đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt từ 3,5 đến 4 tấn/ ha. Bên cạnh đó, bà con còn trồng xen cây hoa màu, ngô, cây ăn trái trong vườn cà phê để tăng thêm thu nhập. 3 năm trở lại đây, nhiều hộ còn tìm hướng đi mới nhờ chuyển sang trồng tiêu và sử dụng cây muồng đen, keo để làm trụ sống cho tiêu. Việc làm này không những giảm chi phí đầu tư ban đầu, giảm thiểu được sâu bệnh mà còn giữ vững môi trường sinh thái, điều tiết khí hậu giúp cây phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Đi giữa những con đường dẫn vào buôn bây giờ, nhiều vườn hồ tiêu đã lên xanh mướt, những hàng tiêu trồng leo bám trụ sống thẳng tắp đang trong giai đoạn cho thu bói, năng suất đạt 1,5 kg/trụ và tiếp tục tăng dần theo từng năm. Đời sống của bà con dần được nâng cao. Hộ giàu và khá trong buôn chiếm 70%. Người dân đã biết chú trọng hơn đến cái chữ, quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, ra sức làm ăn thoát khỏi đói nghèo, cùng chung sức xây dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, tốt đẹp hơn. Trưởng buôn Đào Huy Cường cho biết, dù bệnh tật, khó khăn nhưng điều đáng mừng là bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch, tình trạng sinh con thứ 3 trong buôn hạn chế đáng kể. Điều đáng mừng là gần 90% số hộ trong buôn đạt Gia đình văn hóa.

Trở lại Ea Bhốk hôm nay, quả đã là có sự đổi thay kỳ diệu. Đứng trước  những ngôi nhà trang khang của: vợ chồng Y Tlop Niê và bà H’ Mlăng Byă, H’Hin Ksor và những thế hệ kế cận vẫn thắp tiếp niềm tin son sắt vào Đảng, cách mạng, lòng chúng tôi vui lây với niềm vui của họ. Giờ đây họ trở thành những người lao động sản xuất giỏi, góp phần cùng xây dựng quê hương giàu mạnh…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc