Đất liền với đảo xa
Trường Sa luôn ẩn chứa đầy bão tố, sóng cả. Mỗi người lính hải quân là một pháo đài giữ biển. Biển có lặng sóng thì đất liền mới bình yên. Ra đến đảo xa chỉ có tấm lòng với tấm lòng, tấm lòng với Tổ quốc, để thấy đảo xa gần hơn, mỗi người có trách nhiệm hơn với Tổ quốc.
Trách nhiệm ấy không cứ phải là những việc làm to tát, những công trình vĩ đại. Từng viên đá nhỏ sẽ kết thành ngọn núi lớn. Mỗi viên đá là một tiếng nói, là một tấm lòng thể hiện ý chí, nguyện vọng và sức mạnh đối với vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những viên đá nhỏ đã và đang được tuổi trẻ ở mọi miền đất nước chung sức gửi đến Trường Sa thân yêu thông qua Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Chương trình được phát động từ giữa tháng 5-2011 và đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia hưởng ứng, đóng góp của nhiều tầng lớp trong xã hội.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên nuôi heo đất góp đá gửi Trường Sa. |
Dù cách xa về địa lý nhưng Trường Sa, Hoàng Sa vẫn gần lắm trong trái tim mỗi người dân Tây Nguyên. Cùng với nhân dân cả nước đau đáu hướng về biển đảo, thế hệ trẻ và người dân Dak Lak đang ra sức chung tay bằng những việc làm thiết thực để “gửi đá” ra xây đảo như tích cực hưởng ứng chương trình “mỗi tin nhắn, một viên đá xây Trường Sa” thông qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia đầu tin nhắn 1408. Nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp tham gia ủng hộ bằng tiền trong hành trình đưa đá ra xây dựng Trường Sa, nhằm giữ cho biển đảo của Tổ quốc được bình yên. Điển hình trong số đó là tấm lòng của kỹ sư Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Daphovina ngay sau khi đọc được thông tin về chương trình này đã không do dự, quyết định ủng hộ 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông còn tình nguyện phát động phong trào trong toàn công ty và được sự hưởng ứng của công nhân với số tiền ủng hộ 30 triệu đồng.
Chiến sĩ hải quân với những tiết mục văn nghệ đậm chất lính. |
Ý thức trách nhiệm với vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không thể cân đo đong đếm bằng tiền, tùy theo sức của mình, mỗi người thể hiện bằng tất cả trái tim và ý chí. Trái tim và ý chí ấy được các bạn trẻ Trường Đại học Tây Nguyên gửi đến Trường Sa thân yêu qua nhiều tâm huyết gây dựng, thực hiện phong trào “Nuôi heo đất gửi Trường Sa”. 150 chú heo đất của 150 chi đoàn đã được chăm sóc, nuôi dưỡng từ số tiền đóng góp tuy nhỏ nhưng giá trị tinh thần lớn. Do đặc điểm nhiều lớp đang trong giai đoạn thực tập, đi thực tế địa bàn, có những chú heo đất được các bạn sinh viên y đem theo cả vào trong bệnh viện, các bạn sinh viên ngành nông lâm thì đưa cả heo vào rừng. Bạn Nguyễn Thanh Thiện, lớp Quản lý đất đai K09 tâm sự: “Em rất hạnh phúc khi được tự tay trang trí, tô vẽ những chú heo đất, rồi còn vinh dự mỗi tuần mang heo đất lên lớp 2 lần để các bạn ủng hộ. Ấn tượng nữa là khi đập heo đất, em còn phát hiện được có những lá thư, những trang viết, những thông điệp mà các bạn gửi đến các anh nơi hải đảo xa xôi…”. Gần 4 tháng sau khi phong trào phát động, đến ngày 22-3-2012, 150 chú heo đất được đập với số tiền ủng hộ 28 triệu đồng. Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: Thành công của phong trào không hoàn toàn là số tiền thu được mà quan trọng hơn là thái độ, sự tình nguyện, nhiệt tình, chủ động tham gia của các bạn sinh viên. Thấu hiếu vất vả, khó khăn, khâm phục ý chí, sự hy sinh cao cả của những người lính đảo Trường Sa, thế hệ trẻ càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Thượng tá Nguyễn Văn Thư – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa) khi tham gia chương trình giao lưu “Góp đá xây Trường Sa” được tổ chức tối 24-3 tại Trường Đại học Tây Nguyên đã không giấu được xúc động. Anh hy vọng sẽ gói trọn được tấm lòng, nhiệt huyết của các bạn sinh viên làm quà ra đảo. Đáp lại tình cảm của đất liền, anh cùng những chiến sĩ hải quân luôn nhủ lòng vững chắc tay súng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Từ triệu triệu tấm lòng của đất liền “góp đá xây Trường Sa”, trong đó có thế hệ trẻ và người dân Tây Nguyên, những viên đá đã vượt qua hải trình sóng gió đến với Trường Sa. Ngày 30-9-2011 những viên đá đầu tiên được đặt xuống lòng đại dương, đáy biển dần dâng lên bởi từng viên đá nhỏ. Ngày 2-10-2011 những viên đá nhỏ nhô lên khỏi mặt biển. Và đến hôm nay một ngôi nhà trên biển trị giá 17 tỷ đồng mang tên “Góp đá xây Trường Sa” đã hoàn thành, hiên ngang giữa trùng dương, thêm một minh chứng cho ý chí, tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc