Multimedia Đọc Báo in

Học và làm theo gương Bác từ những việc thiết thực

14:55, 29/04/2012

Gương mẫu đi đầu trong phong trào, sẵn sàng hiến đất xây dựng các công trình công cộng ở địa phương, thực hành tiết kiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật phát triển kinh tế, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống… là những hành động thiết thực, cụ thể của người dân trong việc học tập và làm theo gương Bác.

Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Già làngY Trí Mlô hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc  cây cà phê.
Già làn gY Trí Mlô hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.

Với vai trò là già làng buôn Adrơng Cư Hem (xã Cư Pơng, huyện Krông Buk), thành viên Đội công tác phát động quần chúng xã, Ủy viên UBMTTQVN huyện, ông Y Trí Mlô thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo làm ăn, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Để giúp bà con dễ hiểu, nhớ lâu, ông khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền trong những lần gặp gỡ, trò chuyện, họp dân. Nói về tinh thần đại đoàn kết dân tộc gắn bó với nhau, ông lấy ví dụ như “cá với nước”, để giải thích nếu tách rời khỏi nước, cá sẽ chết. Nhờ cách làm đó mà hầu hết người dân trong buôn đều hiểu rõ thế nào là đoàn kết dân tộc”, già làng Y Trí chia sẻ. Từ quan điểm “Dân vận không để sót ai”, mỗi khi trong buôn xảy ra những việc không hay như tụ tập nhậu nhẹt rồi gây gổ đánh nhau, vợ chồng bất hòa, trẻ em bỏ học… ông lại cùng Ban tự quản, người có uy tín trực tiếp đến khuyên bảo, giải quyết một cách hợp tình hợp lý . Ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê - cây trồng chủ lực ở địa phương - ứng dụng vào vườn cây gia đình để “có thể nói dân hiểu, làm dân tin”. Nhờ vậy, bà con đã bỏ dần lối canh tác cũ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để  nâng cao năng suất, chất lượng. Từ 28 hộ nghèo trước đây, hiện trong buôn chỉ còn 12 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đời sống người dân được cải thiện, con em trong độ tuổi đều đến trường…

Tình nguyện hiến đất xây dựng công trình công cộng

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 7 được xây dựng trên  mảnh đất do chị Nguyễn Thị  Hương hiến tặng.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 7 được xây dựng trên mảnh đất do chị Nguyễn Thị Hương hiến tặng.

Từ tháng 3-2011 trở về trước, mỗi lần tổ chức họp dân, tiếp xúc cử tri, Ban Tự quản thôn 7 (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) lại phải chạy đôn chạy đáo đến các hộ trong thôn mượn địa điểm. Mãi rồi cũng có lời ra tiếng vào và có cả những người “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn liền bàn bạc với gia đình thống nhất hiến 1.000 m2 đất cho thôn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Lúc đầu, có nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng khu đất nhà chị cách khá xa đường nhựa, đi lại không thuận tiện. Nhận thấy đây thực sự là việc làm hữu ích cho thôn, lãnh đạo xã đồng tình ủng hộ, họp dân tuyên truyền. Nhờ vậy, người dân đã hiểu rõ và tích cực hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc đóng góp xây dựng các công trình công cộng. Chị Hương cùng Ban Tự quản, các đoàn thể của thôn huy động mỗi hộ đóng góp 400 nghìn đồng, riêng chị đóng gấp rưỡi số tiền trên để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; sau đó chị lại tình nguyện cắt đôi mảnh vườn, nhổ bỏ hơn 40 trụ tiêu để hiến thêm 720 m2 đất mở đường. Theo gương chị, người dân đã đóng góp ngày công phát quang, mở rộng mặt đường. Một cựu chiến binh trong thôn cũng tình nguyện hiến hơn 700 m2 đất và nhổ bớt 40 cây cà phê kinh doanh để mở đường. Từ đó, con đường cấp phối nối liền đường liên xã vào hội trường thôn hình thành, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển nông sản... Đời sống được cải thiện, bộ mặt thôn ngày càng đổi thay, tình hình an ninh trật tự ổn định. Kết quả đó có sự góp phần từ nghĩa cử cao đẹp của những con người bình dị như vậy. Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nguyễn Văn Danh nhận xét: “Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hiện gia đình đang sống trong căn nhà gỗ cũ nhưng chị Hương vẫn sẵn sàng hiến đất cho thôn xây dựng các công trình công cộng, đó chính là tấm gương sáng để mọi người học tập”.

Thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Tấn Huy luôn đạt năng suất cao và ổn định.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Tấn Huy luôn đạt năng suất cao và ổn định.

Với quyết tâm vươn lên làm giàu, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Huy, hội viên nông dân phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) đã chuyển hướng làm kinh tế, một mặt vẫn duy trì nghề may, mặt khác tích cực khai khẩn đất hoang trồng tỉa hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau khi trồng thử nghiệm thành công 1 ha cà phê cho năng suất cao, năm 1995 ông quyết định bán bớt một số tài sản, nghỉ hẳn nghề may để tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê và một số cây trồng khác. Từ một thợ may chỉ quen với đường kim mũi chỉ, bằng nỗ lực vượt khó, gia đình ông đã gây dựng được trang trại gồm 15 ha cà phê, 2 ha sầu riêng. Với suy nghĩ đa dạng cây trồng, vật nuôi sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định và hạn chế rủi ro khi thị trường có sự biến động, nên song song với việc trồng cà phê, ông phát triển trang trại chăn nuôi 70 con bò thịt, đàn gà 200 con và trồng xen canh các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, chuối, chôm chôm trong vườn cà phê. Theo ông Huy, phát triển chăn nuôi không chỉ tăng thu nhập mà còn có phân chuồng rất tốt cho cây trồng. Để tận dụng nguồn phân bón, ông đầu tư xây dựng hầm có diện tích gần 100 m2 ủ phân vi sinh từ cỏ và vỏ cà phê. Nhờ vậy, đã hạn chế việc sử dụng phân hóa học, cải tạo đất nên cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư giảm mà vẫn cho năng suất cao. Ông còn mở 2 cửa hàng bán quần áo, 1 đại lý thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình thu lợi trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, với những kinh nghiệm tích lũy được, ông đã phổ biến mô hình “cà phê - cây ăn trái - chăn nuôi” giúp bà con phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông còn cho 8 hộ nghèo mượn 100 triệu đồng không tính lãi, hằng năm tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương. Với những thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Huy vinh dự được chọn là 1 trong 3 nông dân tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 năm 2012 sắp tới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.