Multimedia Đọc Báo in

30 NĂM THÀNH LẬP SỞ TƯ PHÁP DAK LAK (1982-2012)

Sở Tư pháp: 30 năm - những chặng đường phát triển

08:07, 27/08/2012

Cách đây vừa tròn 30 năm, Sở Tư pháp Dak Lak được thành lập  (theo Quyết định số 356/QĐ-UB ngày 2-8-1982 của UBND tỉnh) từ tiền thân là Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh. Cũng như các đơn vị bạn đồng trang lứa, bước khởi đầu của Sở Tư pháp Dak Lak vô vàn khó khăn, vất vả; bộ máy còn non trẻ, đội ngũ cán bộ vừa mỏng lại vừa yếu vì hầu như chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ quản lý hành chính - tư pháp.

Cả Sở Tư pháp lúc ấy chỉ vỏn vẹn 3 tổ chuyên môn với 11 cán bộ; bộ máy Tư pháp cấp huyện, xã chưa được hình thành; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ chuyên môn còn thưa thớt, chưa có tính hệ thống, thống nhất; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn..., cùng với đồng lương ít ỏi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ thời bấy giờ, nhất là trong bối cảnh kinh tế phát triển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Đồng chí Đỗ Xuân Bỉnh,  Giám đốc Sở Tư pháp.
Đồng chí Đỗ Xuân Bỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp.

Đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất một lòng, ngành Tư pháp đã nhanh chóng bắt tay vào việc, vừa củng cố, xây dựng về tổ chức, bộ máy vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Bất chấp sự thiếu thốn về vật chất, phương tiện làm việc; đường sá, phương tiện đi lại khó khăn..., các hoạt động của ngành vẫn được triển khai đến tận cơ sở. Các lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được cán bộ của Sở trực tiếp tổ chức đến tận các huyện, xã; mỗi năm vài số Bản tin Tư pháp và hàng chục loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật, với hàng chục ngàn bản cấp phát đến tận thôn, buôn, tổ dân phố... cũng đã kịp thời chuyển tải pháp luật đến người dân. Hoạt động góp ý các dự án luật, dự thảo văn bản pháp quy của tỉnh đã được triển khai kịp thời; việc rà soát văn bản pháp quy của tỉnh và kiểm tra công tác văn bản cấp huyện cũng được tiến hành đều đặn hằng năm... đã tạo được niềm tin về mặt pháp lý cho nhân dân trong toàn tỉnh, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân trong những năm đầu thống nhất Tổ quốc.

                  Trao  Kỷ  niệm chương Vì  sự nghiệp Tư pháp.
Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, ngành Tư pháp cũng đã có những đổi mới, phát triển vượt bậc; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định rõ ràng, cụ thể và ngày càng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng và nặng nề hơn.

             Trung tâm  Trợ giúp pháp lý thường xuyên tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý thường xuyên tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.

Không chùn bước trước những khó khăn trong thời kỳ đầu đổi mới, ngành Tư pháp đã tập trung củng cố tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc hoàn thiện thể chế của ngành. Đến đầu những năm 2000, hệ thống cơ quan Tư pháp đã được kiện toàn từ tỉnh đến cấp xã, với gần 500 người; đội ngũ cán bộ thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị và kiến thức quốc phòng; các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cấp xã được tăng cường tổ chức. Sở còn phối hợp mở các lớp đào tạo Trung cấp Luật tại địa phương để chuẩn hóa trình độ và tạo nguồn cán bộ Tư pháp cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; hệ thống máy tính bước đầu được nối mạng nội bộ, thuận tiện trong việc tra cứu văn bản và lưu trữ, khai thác thông tin. Công tác văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã đi vào nền nếp, chất lượng soạn thảo, thẩm định văn bản QPPL được nâng cao, các đợt rà soát văn bản lớn được triển khai thực hiện; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì và đẩy mạnh cả “bề rộng” và “chiều sâu” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; các hội nghị quán triệt luật mới được triển khai kịp thời; băng cát-sét tuyên truyền pháp luật được cấp phát đến tận thôn, buôn, tổ dân phố; các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức đến tận cấp xã; hương ước, quy ước thôn, buôn, tổ dân phố được xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đạt kết quả thiết thực; các Tổ hòa giải được thành lập tại 100% thôn, buôn, tổ dân phố; tủ sách pháp luật được chỉ đạo triển khai xây dựng tại hầu hết các xã, phường, thị trấn... Mỗi năm, hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động được tổ chức đến các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, qua đó đã tiến hành tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng chục nghìn người. Hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp cũng đi vào nền nếp và đạt nhiều kết quả khả quan, Sở đã tổ chức đăng ký khai sinh quá hạn cho hàng trăm nghìn trẻ em và hàng chục nghìn trường hợp hôn nhân thực tế thông qua các đợt đăng ký khai sinh quá hạn và đăng ký kết hôn thực tế theo chỉ đạo của Trung ương...

Đó là những kết quả của sự nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, luôn tự đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong ngành từ tỉnh đến cơ sở, tạo ra sức bật mới và là động lực quan trọng để thúc đẩy thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn đầu đổi mới. Những thành tựu đó cũng đã được ghi nhận kịp thời bằng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp; Bằng khen về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2001, Sở Tư pháp vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2004, Dak Lak tách thành 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông. Cũng như mọi đơn vị khác trên địa bàn tỉnh, nhân lực của Sở Tư pháp đã được “chia lửa” cho tỉnh mới. Sau chia tách tỉnh, ngành Tư pháp tỉnh còn lại  40 cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tư pháp; 56 cán bộ thuộc 13 Phòng Tư pháp cấp huyện, 190 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở 170 xã, phường, thị trấn.

Giải bài toán khó giữa nhân lực ít ỏi còn lại với việc tiếp tục chặng đường đưa pháp luật ngày càng “thấm” vào cuộc sống và ý thức của người dân, cũng như hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã không ngừng cải cách phương thức quản lý, điều hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (máy vi tính được trang bị cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; Internet được kết nối; mạng LAN nội bộ được hoàn thiện) tại 13 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc.

Cùng với đó, Sở luôn chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở và đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương đối vững mạnh, với 96 người ở cơ quan Sở (trong đó có 1 người đang học cao học, 80 người có trình độ đại học), 67 cán bộ, công chức ở 15 Phòng Tư pháp cấp huyện (trong đó, 1 người có trình độ cao học, 54 đại học, 4 người đang học đại học, còn lại là trung cấp); 184 xã, phường, thị trấn có 280 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch (83 người có trình độ đại học; 182 người có trình độ trung cấp và tương đương, trong đó có 36 người đang học Đại học Luật). Đối với cán bộ của Sở, ngoài bồi dưỡng, nâng cao trình độ thì việc bố trí vị trí, lĩnh vực công tác phù hợp trong một môi trường tương thân, tương ái để khơi dậy tinh thần yêu ngành, yêu nghề, tính năng động, sáng tạo, phát huy hết khả năng, sở trường của từng người được lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tuy công việc vất vả, đồng lương còn ít ỏi nhưng với sự chân thành của mình, Sở đã “giữ chân” và xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không những trẻ về tuổi đời mà còn vững về chuyên môn, gắn bó với công việc... Ít ai biết rằng đĩa CD-ROM “Hệ thống văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh” được phát hành sau mỗi đợt rà soát, hệ thống hóa hằng năm - giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu, xác định hiệu lực các văn bản pháp luật của tỉnh - lại là sản phẩm của một cán bộ chỉ có chứng chỉ A về tin học…

Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp đã từng có một bài viết nói rằng công tác Tư pháp tỉnh Dak Lak xứng 1 trong 10 tỉnh mạnh của cả nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào kết quả trong các năm qua:

- Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành đã được Sở tham mưu chủ động, tích cực, với hơn 45 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh được ban hành (7 Nghị quyết, 18 Quyết định, 20 Chỉ thị) điều chỉnh tất cả lĩnh vực công tác tư pháp, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu công tác tư pháp trong toàn tỉnh.

- Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đạt hiệu quả, 100% văn bản do ngành trực tiếp xây dựng, thẩm định đều đúng pháp luật, có tính khả thi cao; hệ thống văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành thường xuyên được rà soát, cập nhật và hệ thống hóa (từ năm 1993 đến nay, đã rà soát hơn 25.600 lượt văn bản, trên cơ sở đó đã tập hợp, in ấn và phát hành hơn 1.200 cuốn văn bản hệ thống hóa, 5.400 đĩa CD-ROM cơ sở dữ liệu văn bản QPPL của tỉnh) đã tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong tìm hiểu và thực hiện; công tác theo dõi thi hành pháp luật tuy là một nhiệm vụ mới nhưng đã được tập trung triển khai kịp thời, sâu rộng và đạt kết quả nhất định...

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở không ngừng được hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung thiết thực. Bản tin Tư pháp Dak Lak với hình thức đẹp, nội dung phong phú được phát hành đều đặn 3.500 cuốn/tháng và hàng triệu ấn phẩm tuyên truyền pháp luật đã được biên soạn với nội dung đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với người dân cấp phát đến tận thôn, buôn, tổ dân phố... Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật được chú trọng phát triển, với 77 báo cáo viên pháp luật ở tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 4.029 tuyên truyền pháp luật ở cơ sở; 2.437 tổ hòa giải với 12.777 hòa giải viên; hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vào thành công chung trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

- Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, nhất là các quy định mới của pháp luật về: hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, luật sư, giám định tư pháp, bồi thường của Nhà nước... gắn với tăng cường rà soát loại bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết đối với từng loại việc. Các tổ chức hành nghề luật sư, giám định tư pháp tiếp tục được kiện toàn, với 20 văn phòng và 26 luật sư, 35 người tập sự hành nghề luật sư, 76 giám định viên tư pháp. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản được đẩy mạnh, hiện đã có 8 tổ chức hành nghề công chứng với 14 Công chứng viên, 3 tổ chức bán đấu giá tài sản với 10 Đấu giá viên ... đã giải quyết kịp thời các yêu cầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp và bổ trợ cho các hoạt động Tư pháp khác trên địa bàn tỉnh.

- Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành được chú trọng thực hiện. Website của Sở là một trong những trang web đầu tiên của tỉnh được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2008, góp phần thông tin hoạt động, hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục, cung cấp văn bản... trong lĩnh vực tư pháp cho mọi đơn vị, địa phương, tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống quản lý được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008 và đã được cấp Giấy chứng nhận trong hầu hết các lĩnh vực của ngành. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời với Hệ thống quản lý chất lượng kết quả đầu ra theo Tiểu dự án PMS trong các lĩnh vực hộ tịch, văn bản QPPL đã được áp dụng. Hệ thống quản lý và điều hành nội bộ trực tuyến (OMS) giữa lãnh đạo và các phòng, trung tâm thuộc Sở, phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã và phần mềm quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp đã được triển khai... góp phần tăng cường công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác của ngành.

Có thể nói nhờ những nỗ lực trên đây mà trình độ pháp lý, ý thức “sống và làm việc theo pháp luật” của cán bộ, nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao; vai trò, vị trí của Sở Tư pháp trong bộ máy chính quyền ở địa phương không ngừng được phát huy thông qua những đóng góp chất lượng, hiệu quả vào hoạt động quản lý nhà nước của tỉnh. Để có được những thành quả như ngày hôm nay chính là nhờ sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết của nhiều thế hệ cán bộ đã đóng góp biết bao công sức cho sự nghiệp xây dựng ngành; là kết quả của sự đổi mới trong quản lý, điều hành, của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như tính chủ động “đi trước đón đầu” trong công tác hằng năm... Những thành tựu đó đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương kịp thời, nhiều năm liền Sở Tư pháp đã được UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2007 và vừa mới đây, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng cho Sở Tư pháp Dak Lak phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Lao động hạng Nhất để tôn vinh những thành quả của đơn vị trong 30 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành... Đó cũng chính là niềm tự hào, sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp tỉnh trên những chặng đường tiếp theo.

Đỗ Xuân Bỉnh

(Giám đốc Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.