Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật - hiện thực hóa Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Ngày 19-4-2011 Ban Bí thư Trung ương có Kết luận số 04-KL/TW về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã chỉ rõ: “khẩn trương xây dựng, ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…”. Hiện thực hóa Kết luận của Ban Bí thư, ngày 20-6-2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2013. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao dưới hình thức văn bản luật về PBGDPL, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác này. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước đã quy định chính thức trong văn luật lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngày này chính là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta. Ngày Pháp luật được xác định nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân. Mô hình Ngày Pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có. Theo quy định của Luật, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về Ngày Pháp luật để có sự thống nhất thực hiện trong cả nước. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Tư pháp, hiện nay, 63/63 tỉnh thành trong cả nước đã và đang triển khai thực hiện sinh hoạt Ngày Pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhưng nhìn chung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đòi hỏi công tác PBGDPL phải thực sự có chuyển biến căn bản, toàn diện.
Việc ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là tiếp tục xác định PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL; quan tâm PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù, bao gồm: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân... Nhà nước bảo đảm cho công dân có quyền được thông tin pháp luật và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về pháp luật; đồng thời công dân có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật.
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều, bàn luận nhiều về vấn đề ứng xử có văn hóa trong mọi mặt đời sống xã hội. Ứng xử có văn hóa hay không là dựa trên những chuẩn mực của xã hội và như vậy có thể nói rằng văn hóa pháp lý chính là biểu hiện cao của đời sống văn hóa. Không thể được coi là người có văn hóa khi không tuân thủ những chuẩn mực xã hội đã được luật hóa.Trong một xã hội văn minh luôn luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không có bất kỳ ai đứng trên hoặc đứng bên ngoài pháp luật. Câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” mặc dù đã có từ lâu nhưng vẫn luôn luôn mới và là mục tiêu phấn đấu trong cả quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc Nhà nước ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động PBGDPL; tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Đây cũng chính là một bước hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác PBGDPL, cụ thể hơn là Kết luận số 04-KL/TW về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc