Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hợp tác vì một vùng tam giác phát triển

05:15, 10/12/2012

Trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ba nước không ngừng được tăng cường, thông qua nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh - quốc phòng vốn được xây dựng, giữ vững trong thời gian qua tại vùng biên giới.

Biên giới hòa bình và hữu nghị

Bộ Chỉ huy Biên phòng Dak Lak đánh giá: năm 2012, chính quyền và các lực lượng vũ trang Lào, Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an Việt Nam phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch và các phần tử xấu ở vùng biên; cùng nhau giải quyết tình trạng di cư tự do và xâm nhập biên giới trái phép. Đặc biệt, lực lượng biên phòng ba bên đã có sự phối hợp thường xuyên trong công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình và tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự ở vùng biên theo hiệp ước và hiệp định đã được ký kết. Mới đây, Dak Lak đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết thực hiện bản ghi nhớ “Chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam-Campuchia”, đồng thời triển khai nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu giữa thanh niên hai tỉnh Dak Lak và Mondulkiri nhằm thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Từ những hoạt động ấy, hai bên tiếp tục triển khai phòng chống có hiệu quả việc buôn lậu, khai thác lâm, thổ sản trái phép; đặc biệt phối hợp, hỗ trợ công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào và Campuchia. Trong năm 2012, công tác phân giới và cắm mốc cũng đã được Việt Nam-Lào-Campuchia xúc tiến mạnh mẽ và toàn diện hơn...

Bộ đội Biên phòng Dak Lak tuần tra biên giới.
Bộ đội Biên phòng Dak Lak tuần tra biên giới.

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại

Về chương trình hợp tác kinh tế, thương mại giữa ba nước, ông Triệu Xuân Hòa-Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: kết quả nổi bật nhất là các hoạt động phối hợp, giúp đỡ các tỉnh bạn Nam Lào và Đông Bắc Campuchia khảo sát, quy hoạch và xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như: điện, đường giao thông, cửa khẩu và trồng rừng, trồng cao su.

Cụ thể đối với Lào, trong năm 2012 các tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp, đơn vị như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cao su Dak Lak, Binh đoàn 15 đã triển khai thêm 13 dự án đầu tư ở các tỉnh Nam Lào, bao gồm các công trình phát triển hạ tầng, nhà máy chế biến gỗ, thủy lợi, thủy điện, trồng cà phê, cao su và nuôi trồng thủy sản. Trong đó tỉnh Kon Tum tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cửa khẩu Bờ Y- Phu Cưa và Dak Blô-Dak Bar; cung ứng điện cho một số khu vực dân cư lân cận của tỉnh Attapư với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cao su Dak Lak và Binh đoàn 15… đã đầu tư trồng mới khoảng 7.000 ha cao su, nâng tổng diện tích loại cây trồng này trên đất bạn lên trên 33.000 ha. Trong hoạt động đầu tư, hợp tác kinh tế-thương mại, Chính quyền các tỉnh Nam Lào đã đánh giá rất cao mối quan hệ và sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại khu vực Tam giác Phát triển lần thứ 7 được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào tháng 9-2012 vừa qua, phía bạn Lào cho rằng: các doanh nghiệp Việt Nam không những chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Lào, mà còn quan tâm chăm lo đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ của bạn. Chính phủ Lào khẳng định và cam kết sẽ hết sức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án, nhất là dự án trồng cao su của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên tại các tỉnh biên giới ba nước một cách có trách nhiệm, phù hợp với luật pháp hiện hành.

Đối với Campuchia, ta phối hợp tiếp tục một số dự án phục vụ dân sinh cùng hệ thống giao thông đấu nối với các tuyến đường bộ từ Gia Lai, Kon Tum đến tỉnh Ratanakiri; nâng cấp cửa khẩu Dak Peur (Dak Nông)-Nậm Nia (Mondulkiri) thành cửa khẩu chính. Theo đó, các cấp có thẩm quyền cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hạng mục hạ tầng để nâng cấp cửa khẩu Dak Ruê (Dak Lak)-Chi Miêt (Mondolkiri). Vừa qua, tỉnh Dak Nông đã hỗ trợ quy hoạch tổng thể cho tỉnh Mondulkiri xây dựng hệ thống trường dạy nghề, đường điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng. Nhờ vậy, mối quan hệ hữu nghị giữa các tỉnh trong khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia không ngừng được tăng cường, thắt chặt. Bên cạnh sự hợp tác, đầu tư to lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp có tầm cỡ của Việt Nam vào nước bạn Lào, Campuchia… các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên cũng bắt đầu hướng đến thị trường giàu tiềm năng này. Cụ thể Công ty Đức Cường (Gia Lai) cùng ba doanh nghiệp tư nhân ở Kon Tum đã đầu tư vào các tỉnh Chămpasăk-Lào và Rattanakiri-Campuchia để triển khai dự án trồng rau, hoa quả và nuôi trồng thủy sản. 

Ông Triệu Xuân Hòa-Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết thêm: những năm tiếp theo Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại tại khu vực biên giới giữa ba nước, đặc biệt là trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tiếp tục triển khai thêm các dự án về hạ tầng (giao thông, đường điện, cửa khẩu…) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, thương mại và du lịch tại đây. Theo đó, giữa ba nước cần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trên tuyến hành lang Đông-Tây để không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của khu vực Tam giác phát triển trong toàn vùng Đông Nam Á thông qua quy chế hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luân phiên hàng năm giữa cấp quốc gia, cũng như cấp tỉnh…

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.