Multimedia Đọc Báo in

Các sở, ngành trả lời kiến nghị của cử tri trong tỉnh

05:12, 10/12/2012

Cử tri huyện Krông Năng

*Tuyến đường Dak Lak – Phú Yên mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, lòng đường lại hẹp, cử tri kiến nghị sớm nâng cấp, sửa chữa.

Tuyến đường Dak Lak – Phú Yên được sáp nhập một đoạn của tỉnh lộ 11 (24km) nối với tỉnh lộ 14 (44,5km); tổng số 68,5km mới được Bộ Giao thông Vận tải chuyển đường tỉnh lên thành Quốc lộ 29 giữa năm 2011. Đoạn xuống cấp là tỉnh lộ 11 được đầu tư xây dựng vào năm 2002 đến nay đã quá thời kỳ sửa chữa lớn theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo sửa chữa các đoạn hư hỏng cục bộ nhằm bảo đảm giao thông. Về chủ trương đầu tư nâng cấp, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định phê duyệt đề cương dự toán năm 2012 và triển khai giai đoạn 2013-2015.

*Cử tri kiến nghị tuyến kênh mương Tam Lực đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn dang dở, một số hợp phần thi công kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.

Công trình thủy lợi Tam Lực (xã Ea Tam) thuộc gói thầu số 9 của Dự án Thủy lợi tỉnh Dak Lak, đầu tư bằng nguồn vốn vay Quỹ Kuwait, UBND huyện Krông Năng làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Hồng Hà thi công. Phản ánh của cử tri về tình trạng thi công dở dang, kéo dài là chính xác. Nguyên nhân khách quan dẫn đến thi công chậm trễ là do địa hình thi công công trình phức tạp, thời tiết không thuận lợi do mưa nhiều, quá trình thi công phát sinh nhiều hạng mục cần điều chỉnh, bổ sung. Nguyên nhân chủ quan là nhà thầu thi công chưa tích cực thực hiện theo tiến độ cam kết, chủ đầu tư chưa tích cực giám sát, đôn đốc nhà thầu và chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu xử lý những phát sinh. UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, thông tuyến kênh dẫn nước đến khu tưới trước ngày 30-10-2012 và hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 15-11-2012.

*Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện và chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ không thuộc diện hộ nghèo nhưng có đông con đi học đại học được vay vốn. Hiện nay các hộ này gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, việc cho vay vốn đối với HS-SV được thực hiện theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm các đối tượng sau: HS-SV mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HS-SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng sau: hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo; HS-SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.

Đối với phản ánh của cử tri, Chi nhánh NHNN Dak Lak đã có văn bản báo cáo NHNN Việt Nam nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, có cơ chế chính sách phù hợp.

*Cử tri phản ánh: Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk xử lý mủ cao su và nước thải làm ô nhiễm mỗi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước; Xưởng chế biến cà phê sạch tại thôn Ea Bir, xã Dliê Ya không có bể chứa xử lý nước thải, xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đối với việc Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk xử lý mủ cao su và nước thải làm ô nhiễm mỗi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước: Sở TNMT đã tiến hành kiểm tra và cho thấy, công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo phương án đề xuất tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ nước thải của nhà máy đều được thu gom về hệ thống xử lý nước thải chung, sau khi được xử lý thải ra nguồn tiếp nhận là suối Ea Huê theo phương thức và chế độ xả quy định tại Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải ngày 26-6-2012 (do Trung tâm nghiên cứu và quan trắc môi trường nông nghiệp Miền Trung và Tây Nguyên thực hiện) so sánh với QCVN 01: 2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT có 3 thông số là: BOD, TSS, P không đạt quy chuẩn cho phép. Để khắc phục tồn tại này, công ty đang thực hiện biện pháp xử lý bổ sung theo đề xuất của Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam. Sở TNMT đã yêu cầu công ty nghiêm túc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện triệt để các biện pháp xử lý bổ sung để bảo đảm nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn QCVN 01:2008/BTNMT và các quy chuẩn có liên quan

Về công tác bảo vệ môi trường đối với Xưởng chế biến cà phê tại thôn Ea Bir: Qua thực tế kiểm tra, xưởng đang ngừng hoạt động do chưa đến vụ thu hoạch cà phê. Nước thải từ quá trình chế biến cà phê niên vụ trước được thu gom chuyển qua hệ thống gồm 4 bể lắng, sau đó chuyển vào bể chứa để sử dụng bơm tưới cho cà phê. Các bể lắng không lót đáy chống thấm nên nước thải chưa qua xử lý thấm trực tiếp xuống đất. Biện pháp xử lý chỉ là rắc vôi bột và phun men vi sinh Biological vào thời gian hoạt động cao điểm nên tại khu vực xử lý nước thải vẫn còn mùi hôi. Hiện nay, công ty đang thuê đơn vị chức năng tư vấn việc xử lý nước thải, mùi men từ vỏ cà phê nhằm xử lý ô nhiễm môi trường; định kỳ quan trắc kiểm tra chất lượng nước thải để xử lý hỗ trợ phù hợp.

Khi vụ cà phê 2012 đi vào hoạt động ổn định, UBND tỉnh giao Sở TNMT phối hợp với chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xưởng này. Trường hợp công ty không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường như đã cam kết thì xem xét, kiến nghị xử lý theo quy định.

Cử tri huyện Ea Kar

*Rừng bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, khu vực giáp ranh với Ea Kar và Krông Năng bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng, thậm chí vào ban ngày xe chở gỗ qua Trạm Kiểm lâm Krông Năng mà không bị bắt giữ. Đa số cử tri phản ánh rừng bị tàn phá có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm.

Hiện nay, trên toàn địa bàn quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tình trạng săn bắt động vật hoang dã và khai thác gỗ diễn ra phức tạp. Lâm tặc chủ yếu là người dân tộc phía Bắc di cư vào; thường dùng công cụ thô sơ như dao, rìu, cưa tay để khai thác, sau đó dùng xe máy vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng và đi tiêu thụ. Đối tượng mua lâm sản là người ở các huyện Ea Kar và Krông Năng, thường vào tận các buôn của huyện Krông Năng để mua gom gỗ, vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Từ thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô triển khai tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 116 vụ vi phạm với 160 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 279 triệu đồng; chuyển Công an huyện Ea Kar khởi tố 6 vụ án hình sự. Việc cử tri phản ánh một số đối tượng khai thác gỗ trái phép từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đi qua địa bàn huyện Krông Năng là có, trong thời gian gần đây là việc khai thác gỗ nhóm 5 (gỗ đổi màu), họ vận chuyển chủ yếu bằng xe máy nên rất khó kiểm soát.

Về phản ánh rừng bị tàn phá có sự tiếp tay của cán bộ quản lý bảo vệ rừng: Năm 2012 có một số đối tượng phá rừng để làm nương rẫy đã bị Ban quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát hiện lập biên bản bàn giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý, trong đó có 2 vụ xử lý hình sự. Việc cán bộ quản lý bảo vệ rừng có tiếp tay cho lâm tặc hay không mới chỉ là phản ánh chung chung, không nêu tên cụ thể nên chưa có cơ sở để xử lý. Đề nghị cử tri khi phát hiện có hiện tượng mua bán, vận chuyển gỗ trái phép hoặc cán bộ quản lý bảo vệ rừng dung túng, tiếp tay cho lâm tặc… cần phản ánh ngay với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Cử tri huyện Krông Bông

*Cử tri phản ánh Nhà máy chế biến tinh bột sắn xử lý nước thải làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh nhà máy.

Ngày 18-9-2012, Sở TNMT đã thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Nhà máy tinh bột sắn Dak Lak do Công ty cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Dak Lak làm chủ đầu tư. Kết quả kiểm tra cho thấy: Công ty đã lập và được Sở TNMT phê duyệt đề án bảo vệ môi trường của nhà máy; được UBND tỉnh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Nhà máy đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo phương án đề xuất tại đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; bổ sung chế phẩm EM để khử mùi, hỗ trợ quá trình xử lý. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận (do Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường thực hiện ngày 16-1-2012) so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT) cho thấy các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép, riêng thông số coliform vượt QCVN 1,86 lần. Sở TNMT đã yêu cầu công ty phải thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật các hồ xử lý, xây dựng và hoàn thiện phương án xử lý bùn của hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm xử lý nước thải đạt QCVN trước khi thải ra môi trường. Đồng thời yêu cầu công ty khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các nội dung đề án bảo vệ môi trường theo quy định. Sở TNMT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy này.

Lê Ngọc (lược ghi)

(Còn nữa)

 

 


Ý kiến bạn đọc