Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Một số nội dung quy định về đất đai còn chưa hợp lý

15:21, 18/03/2013

Thực tế hiện nay việc quy định sở hữu toàn dân (Điều 57 Dự thảo Hiến pháp) chỉ mang tính chất tinh thần, vì thực tế chủ thể sở hữu là Nhà nước. Do đó, nên chăng quy định rõ ràng là sở hữu Nhà nước để tránh tình trạng sở hữu toàn dân nhưng không biết ai là chủ sở hữu.

Cần phân định rõ hình thức “sở hữu tài nguyên” “sở hữu tài sản”; đồng thời nếu chỉ quy định tài sản “do Nhà nước đầu tư là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là chưa đầy đủ, vì có những di sản văn hóa tuy không được đầu tư bằng tiền Nhà nước nhưng vẫn là sở hữu toàn dân và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, có một số tài sản nhân dân và Nhà nước cùng phối hợp đầu tư hoặc hình thức đầu tư không phải nguồn vốn của Nhà nước như đường giao thông, nhà ở… Do vậy, không nhất thiết phải đặt điều kiện do Nhà nước đầu tư, cho nên bỏ từ “Nhà nước đầu tư” thành cụm từ “Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Theo chúng tôi, Điều 57 sửa lại như sau: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật".

Đối với quy định tại khoản 2 Điều 58 Dự thảo Hiến pháp: “... Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Theo chúng tôi cần bỏ cụm từ “là quyền tài sản”, bởi vì quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức là tài sản của cá nhân và tổ chức đó được quyền sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại khoản 3 lại quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là một kẻ hở dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý đất đai.

Việc Dự thảo Hiến pháp quy định “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là một điểm mới, rất quan trọng nó khắc phục được những nhược điểm trong quản lý nhà nước về đất đai trước đây. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ việc “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức và cá nhân sử dụng có bồi thường…”. Xem xét về mối quan hệ giữa khoản 2 và khoản 3 của Điều này, rõ ràng có tồn tại một khoảng trống có lợi cho phía cơ quan Nhà nước khi tiến hành quy trình thu hồi đất của tổ chức và cá nhân (nhất là đối với cá nhân). Vì trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, cá nhân luôn luôn nằm ở vị thế bất lợi (bất lợi về địa vị, về quyền lực, năng lực và nhiều thứ khác). Quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, mà đã là tài sản thì việc thu hồi là không thỏa đáng, hợp lý. Tuy nhiên vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng thì người dân sẵn sàng ủng hộ việc Nhà nước thu hồi đất có bồi thường, nhưng nếu vì mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước quyết định thu hồi đất đã giao cho người dân là chưa hợp lý, dễ gây tiêu cực và bất lợi cho người dân, dễ dẫn đến bất công trong quản lý đất đai. Do đó Dự thảo Hiến pháp cần phải xem xét đến cùng của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong việc thu hồi đất. Theo đó, cần biên tập lại Khoản 3, Điều 58 như sau: “3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trưng mua quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời nếu giữ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị cần phải xác định quy mô, tính khả thi, hiệu quả, tác động của các dự án kinh tế - xã hội; xác định rõ thẩm quyền thu hồi đất, tránh tình trạng tùy tiện hoặc các dự án kinh tế không phát sinh hiệu quả.

Phạm Văn Chung


Ý kiến bạn đọc