Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đề án phát triển cà phê là một sản phẩm quốc gia, hình thành ngành công nghiệp cà phê Việt Nam có hiệu quả cao và bền vững (*)

11:11, 11/03/2013

Hôm nay trong những ngày vui kỷ niệm 38 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử, trận đánh chiến lược mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, tỉnh Dak Lak tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ tôi xin gửi tới đồng bào, đồng chí, các doanh nghiệp, các vị khách quý trong và ngoài nước lời chúc mừng chiến thắng và lời chúc tốt đẹp cho mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi buôn làng và tỉnh Dak Lak thân thương.

Thưa đồng chí, đồng bào và các vị khách quý!

Với điều kiện đất đai ở Dak Lak và Tây Nguyên, trồng cây cà phê với quy mô lớn, chế biến và xuất khẩu cà phê là hướng đi chiến lược để xoá nghèo, để làm giàu cho người dân và đất nước. Cuộc sống của hàng vạn gia đình đã thoát nghèo, thu nhập ngày càng cao hơn ở Dak Lak và Tây Nguyên là biểu hiện sinh động cho chiến lược phát triển này, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, trong đó riêng cà phê Robusta đứng hàng thứ nhất, với sản lượng xuất khẩu năm 2012 là 1,6 triệu tấn và doanh thu xuất khẩu 3,4 tỷ đô la. Tuy nhiên, chúng ta cần phải huy động sự quan tâm đóng góp đồng bộ của người dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cấp quản lý để:

1. Việc trồng cà phê là bền vững về môi trường và kinh tế, qua việc sử dụng giống cà phê có năng suất và chất lượng cao, áp dụng các giải pháp chăm sóc hiện đại tiết kiệm nước, nếu áp dụng các biện pháp tưới và bón phân nhỏ giọt chúng ta có thể nâng cao hiệu quả tưới và bón phân từ 60% như hiện nay lên 95%, tăng năng suất từ 2 tấn/1 ha hiện nay lên 4 tấn và sau đó là 6 tấn/1 ha.

2. Để cà phê trở thành ngành kinh tế hiệu quả cao, chuyển từ chủ yếu là trồng và xuất khẩu cà phê nhân sang vừa xuất khẩu cà phê nhân vừa chế biến cà phê thành sản phẩm cuối cùng như cà phê bột, cà phê hòa tan, bánh kẹo, sữa cà phê, đồng thời phát triển công nghiệp phân bón và chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cà phê.

3. Thực hiện chiến lược quốc gia tiếp thị và phát triển sản xuất cà phê để tăng thị phần giá trị của Việt Nam trên thị trường thế giới tương ứng với thị phần về sản lượng cà phê của Việt Nam, năm 2012 Dak Lak có 200.000 ha cà phê, sử dụng trực tiếp 300.000 lao động, xuất khẩu 400.000 tấn cà phê, thu về hơn 700 triệu đô la, cả nước xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê, sử dụng khoảng 1,2 triệu lao động và 800 nghìn ha đất, giá trị xuất khẩu gần 3,4 tỷ đô la, như vậy 1 lao động trồng cà phê tạo ra giá trị cho người Việt Nam khoảng 230 đô là /tháng/người, tương đương 4,6 triệu đồng. Trong khi đó, ngành dệt may của chúng ta có 2 triệu lao động xuất khẩu 17,3 tỷ đô la năm 2012, trừ đi 8,8 tỷ đô la nhập nguyên liệu vật tư thì giá trị tạo ra ở Việt Nam là 8,5 tỷ đô la, tức là một lao động dệt may tạo ra 354 đô la giá trị mới ở Việt Nam tương đương 7,1 triệu đồng gấp 1,5 lần lao động trồng cà phê trong khi ngành dệt may chúng phải nhập nguyên liệu vật tư như bông, sợi vải chiếm 51% giá trị xuất khẩu, thì ngành cà phê chúng ta có thể làm chủ từ khâu sản xuất giống, sản xuất cà phê hạt, sản xuất phân bón và thiết bị sản xuất chế biến. Nếu chúng ta áp dụng công nghệ cao cho cây cà phê, chế biến cà phê nhân thành sản phẩm cuối cùng thì một lao động của Việt Nam ở ngành cà phê sẽ còn thu nhập cao hơn có thể vượt một lao động trong ngành dệt may. Lễ hội Cà phê có vai trò quan trọng để giới thiệu các điển hình các phương pháp trồng cà phê hiện đại hiệu quả cao tiết kiệm nước, khuyến khích tuyên dương các doanh nghiệp chế biến cà phê và sản xuất sản phẩm cà phê, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ ngành cà phê để làm cho dân giàu, nước mạnh và quảng bá hình ảnh nước Việt Nam phát triển thân thiện. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trao đổi, tìm cơ hội phối hợp đầu tư tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, với đà tăng trưởng dân số của thế giới và mức tăng thu nhập bình quân toàn cầu việc tiêu thụ cà phê sẽ tiếp tục tăng lên trong những thập kỷ tới.

Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh có cây cà phê là một cây chủ lực trong kinh tế địa phương phối hợp để:

1. Xem xét và trình Chính phủ khả năng xây dựng đề án phát triển cà phê là một sản phẩm quốc gia, một ngành sử dụng gần 1 triệu ha/1 triệu lao động và có sản lượng xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới, để hình thành ngành công nghiệp cà phê Việt Nam có hiệu quả cao, bền vững từ khâu công nghệ sinh học phục vụ cà phê, công nghiệp sản xuất phân bón, thiết bị, phụ tùng chế biến cà phê đến trồng chế biến xuất khẩu cà phê Việt Nam, vừa là một thứ uống thức ăn ngon phù hợp với khẩu vị các vùng khác nhau trên thế giới, vừa mang thông điệp về văn hóa của Việt Nam một đất nước nhiều dân tộc thông điệp hòa bình của nhân dân Việt Nam.

2. Đề xuất các biện pháp cấp tỉnh và quốc gia để tuyên dương, vinh danh các hộ trồng cà phê, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê, các doanh nghiệp chế tạo thiết bị công nghệ phục vụ ngành cà phê và các nhà khoa học xuất sắc đóng góp cho sự phát triển cà phê Việt Nam. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đi kiểm tra tình hình sản xuất công nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên cho biết, hạn hán trong năm nay sẽ ảnh hưởng cây lúa, cây cà phê và nhiều cây con khác, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn sớm trình Chính phủ đầu tháng Tư các biện pháp cần thiết để hỗ trợ người trồng cà phê, cây lúa để phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn đặc biệt hiện nay.

3. Với đặc điểm một tỉnh có số lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, nơi tổ chức thành công 4 lần lễ hội cà phê Việt Nam, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Dak Lak, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp đề xuất các biện pháp để Dak Lak không những là trung tâm cà phê của Việt Nam mà trở thành một trung tâm cà phê của Đông Nam Á.

Chính phủ biểu dương nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Dak Lak đã vượt nhiều khó khăn tổ chức thành công 3 lần lễ hội cà phê Việt Nam và Lễ hội lần thứ IV năm nay, chúng ta cảm ơn các bạn bè quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đã đến với lễ hội cà phê Việt Nam các năm qua.

Kính chúc sức khỏe đồng bào, đồng chí và các vị khách quý, chúc lễ hội cà phê Việt Nam lần thứ IV thành công tốt đẹp, xin trân trọng cảm ơn.

(*) Tiêu đề do Báo Dak Lak đặt

(Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013)


Ý kiến bạn đọc