Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và nền độc lập - tự do của dân tộc

06:41, 12/03/2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) đã bám sát các quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5, khóa XI. Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều và cả về kỹ thuật lập hiến của một bản dự thảo Hiến pháp nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Về cơ cấu, kế thừa nội dung Hiến pháp năm 1992, Dự thảo đã dành Chương 1, với 14 điều để quy định chế độ chính trị. Trong đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cụ thể Điều 1 của Dự thảo nêu: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.”. Tuy nhiên, để nhấn mạnh hơn nữa bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định nhiệm vụ và mục tiêu sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,  thì Điều 1 nên sửa như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, tự do, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Việc thêm hai từ “tự do” sau chữ “độc lập”, nhằm thể hiện sự gắn kết theo quan hệ nhân quả, không thể tách rời giữa “độc lập với tự do”. Vì trên thực tế, có những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mặc dù đã giành được độc lập rồi nhưng chưa chắc đã có tự do. Đối với sự nghiệp cách mạng của nước Việt Nam ta độc lập phải đi liền với tự do, giành độc lập là để có tự do, như sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Một nhà nước dân chủ, độc lập, tự do, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đó mới chính là bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3 nên thêm cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vào sau “Nhà nước” cho rõ nghĩa. Và Điều 3 nên sửa như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Tương tự, ở các Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 4 nên sửa lại theo hướng thể hiện rõ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, Khoản 2 nên sửa lại là: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, luôn có tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Thêm các từ và cụm từ in đậm và bỏ cụm từ “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, vì quy định như thế còn chung chung, đồng thời nội dung về chịu “trách nhiệm” đã được thể hiện ở Khoản 3 của điều này, đó là “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, có nghĩa là nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung Khoản 3 nên sửa như sau: “Các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và những quy định của Điều lệ Đảng”. Ở đây, nên thêm các từ in đậm, trong đó có cụm từ “những quy định của Điều lệ Đảng”. Bởi đối với tổ chức Đảng và đảng viên ngoài đòi hỏi hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, còn phải chấp hành nghiêm và chịu sự điều chỉnh của những quy định trong Điều lệ Đảng.

Nội dung Điều 5 nên sửa lại như sau: Khoản 1 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Thay cụm từ “trên đất nước” bằng cụm từ “toàn lãnh thổ” cho rõ nghĩa hơn, vì chỉ có lãnh thổ Việt Nam mới phản ánh đầy đủ chủ quyền về đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Khoản 2, điều này nên thêm các từ “Việt Nam” vào phần đầu câu và từ “sắc tộc” ở cuối câu. Và nội dung Khoản 2 sẽ sửa là “Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc và sắc tộc”.

 Khoản 2 Điều 7 nên bỏ cụm từ “cử tri hoặc”, và khoản này có nội dung như sau: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Vì trong thực tế, khi phát hiện đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không còn xứng đáng với sự tín nhiệm, cử tri  không có thẩm quyền ban hành nghị quyết hay quyết định bãi nhiệm đại biểu ấy, mà chỉ có Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới có quyền này. Vì vậy nếu đưa cử tri vào điều luật này thì sẽ không có tính khả thi.

 Khoản 2 Điều 11 nên sửa: “Mọi hành vi chống lại độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật. Thêm vào các từ “tự do”. Vì tương tự như đã phân tích tại Điều 1, có độc lập nhưng chưa chắc đã có tự do thực sự. Nhiều khi có độc lập nhưng vẫn mất tự do vì bị lệ thuộc vào chính trị, kinh tế, quân sự của nước ngoài, từ đó dẫn đến mất tự do, nên mọi hành vi làm cho dân tộc, đất nước bị lệ thuộc vào chính trị, kinh tế, quân sự…của nước ngoài là các hành vi chống lại sự tự do và việc chống lại sự tự do của dân tộc phải được nghiêm trị theo pháp luật.

Có thể nói, Chương 1 về “Chế độ chính trị”  được nêu trong nội dung của Dự thảo đã phản ánh rõ một số nguyên tắc cơ bản, làn nền tảng như nguyên tắc: Xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự dân chủ, độc lập, tự do, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân; Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Như vậy, nội dung Chương 1, không chỉ thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn khẳng định lập trường chính trị, mục tiêu và lý tưởng phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các nguyên tắc cơ bản này cho thấy Hiến pháp của nước ta vừa thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc với các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa bảo đảm tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị đặc thù về chính trị - pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc