Multimedia Đọc Báo in

Một số ý kiến đối với quy định về chính quyền địa phương

07:47, 14/03/2013

Có thể khẳng định rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong các cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI, các Nghị quyết Trung ương 2 và Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Hiến pháp 1992 sửa đổi. Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại  của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài. Dự thảo Hiến pháp lần này đã đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đô thị.

Tuy nhiên, để Hiến pháp lần này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến còn chưa hợp lý về quy định chính quyền nhân dân trong dự thảo Hiến pháp lần này:

Tại Khoản 2, Điều 115 Dự thảo Hiến pháp có đoạn: “Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường”. Việc quy định như vậy làm cho nhiều người hiểu rằng huyện và thành phố trực thuộc cả tỉnh và thị xã, như vậy là không đúng.

Do đó, đề nghị nên sửa lại như sau: “Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố, thị xã thuộc tỉnh chia thành phường, xã; quận chia thành phường”.

Tại Khoản 2, Điều 115 Dự thảo Hiến pháp có nêu “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”.

Theo chúng tôi, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu là có thể có hoặc không có HĐND và UBND ở một cấp hành chính nào đó. Hay nói khác, Khoản 2, Điều 115 là cơ sở tiến tới không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Đồng nghĩa, bỏ đi thiết chế dân chủ của nhân dân tại các địa phương này, đi ngược với các nội dung đã bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân quy định tại Điều 2, 3, 6 trong bản Hiến pháp.

Đồng thời, đề nghị đổi tên Ủy ban nhân dân (được quy định tại Khoản 2 Điều 115, Khoản 2 Điều 116) thành Ủy ban hành chính. Lý do: Trong Dự thảo quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2), đồng thời cũng quy định Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Khoản 2 Điều 116), vì vậy việc đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính sẽ phản ánh rõ hơn tính hành chính của cơ quan hành pháp trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Tại Khoản 2 Điều 116 này quy định: “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Chủ tịch UBND và các thành viên UBND chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Quy định này chỉ đúng với những đơn vị hành chính có tổ chức HĐND; còn những nơi không tổ chức HĐND thì không chính xác.

Do vậy, đề nghị viết lại là: “UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Ở những địa phương có tổ chức HĐND thì UBND còn là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp”. Đồng thời nên bổ sung vị trí pháp lý của Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND vào Hiến pháp.

Tại đoạn 2, Điều 117 Dự thảo Hiến pháp quy định “Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước”. Quy định như vậy là chưa bao quát hết nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND, đại biểu HĐND có 9 nhiệm vụ. Vì vậy nên quy định “nhiệm vụ của đại biểu HĐND do luật định” hoặc quy định “Nhiệm vụ cơ bản của đại biểu HĐND là vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước”. Như vậy mới chặt chẽ, bao quát, theo đó, ngoài nhiệm vụ cơ bản quy định trong Hiến pháp thì đại biểu HĐND còn thực hiện các nhiệm vụ khác do pháp luật quy định.

Tại Khoản 1 Điều 118 quy định: “…Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND hoặc trả lời bằng văn bản”. Theo tôi, đề nghị sửa đổi lại là: “Hình thức trả lời chất vấn do luật định” nhằm tạo cơ sở để Luật tổ chức Hội đồng nhân dân quy định cụ thể về hình thức trả lời chất vấn. Trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, đạo luật gốc như Hiến pháp không cần thiết phải quy định cụ thể về hình thức trả lời chất vấn. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về nâng cao hơn nữa tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách.

Phạm Văn Chung


Ý kiến bạn đọc