Một số ý kiến đối với quy định về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
Có thể khẳng định rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của về cải cách tư pháp tại chương quy định về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài. Đồng thời phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về chiến lược cải cách tư pháp. Tuy nhiên, để Hiến pháp lần này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, tôi tham gia thêm một số ý kiến về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này:
Theo chúng tôi tại Điều 108: Đề nghị thêm cụm từ "theo quy định của pháp luật" vào sau cụm từ "được bảo đảm" tại phần cuối đoạn 1, Khoản 7 Điều này. Bên cạnh đó cần bỏ toàn bộ đoạn hai Khoản này "Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp". Lý do: Quy định như vậy quá cụ thể, không xứng tầm với đạo luật cơ bản - Hiến pháp. Mặt khác quyền này được quy định như đoạn 1 Khoản 7 là đã đầy đủ. Việc thực hiện các quyền này được quy định cụ thể tại các Bộ luật, Luật chuyên ngành có liên quan. Viết lại là “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, bổ sung mới vào Điều này quy định "Tòa án công khai các bản án, quyết định đã giải quyết" vào đoạn cuối Khoản 3 Điều này để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án và nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án. Ngoài ra, Khoản 3, Khoản 4 Điều này chỉ khác 2 từ “công khai”. Do đó đề xuất bỏ nội dung Khoản 3 và gộp 2 từ “công khai” vào Khoản 4 Điều này như sau: “3. Tòa án nhân dân xét xử tập thể, công khai và quyết định theo đa số, trừ trường hợp do luật định...”.
Đối với quy định tại Điều 109: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 như sau: "Tòa án nhân dân tối cao giám sát việc xét xử của các Tòa án khác" để tránh hiểu lầm sang thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định; bổ sung quy định "trừ trường hợp Quốc hội quy định khác khi thành lập Tòa án đặc biệt" vào đoạn cuối khoản 2 Điều này. Cụ thể "Tòa án nhân dân tối cao giám sát việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp Quốc hội quy định khác khi thành lập Tòa án đặc biệt". Lý do: Quy định này mang tính chất dự báo, lường trước các tình huống có thể xảy ra về sau.
Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm một khoản mới, (khoản 4) vào Điều này. Cụ thể "Tòa án nhân dân tối cao thực hiện ban hành án lệ và giải thích pháp luật". Lý do: Việc thêm quy định này nhằm thể chế hóa các Nghị quyết 08, 48, 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Việc bổ sung chức năng ban hành án lệ và giải thích pháp luật thực tế là nhằm bảo đảm cho việc Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, giải quyết kịp thời các vụ việc khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Bổ sung quy định này cũng sẽ là cơ sở để Tòa án hình thành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và là cơ sở để hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là pháp luật tố tụng.
Đối với nội dung về Viện kiểm sát quy định tại Điều 112: Đề nghị tiếp thu sửa đổi bổ sung và biên tập lại Khoản 1 như sau: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật". Bởi vì có rất nhiều hoạt động tư pháp, thêm từ "các" sẽ đầy đủ, chính xác hơn. Đồng thời đề nghị tiếp thu ý kiến về chuyển mô hình Viện kiểm sát thành Viện công tố là phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về chiến lược cải cách tư pháp, phù hợp với chức năng chính của cơ quan công tố, phù hợp với mô hình của đa số các nước trên thế giới hiện nay đang hoạt động rất hiệu quả.
Vĩnh Linh
Ý kiến bạn đọc