Multimedia Đọc Báo in

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Có chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ nông dân khi thu hồi đất nông nghiệp

08:49, 10/04/2013

Khi thu hồi đất các cơ quan liên quan có thẩm quyền buộc phải thực hiện các  bước đền bù, tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề... Nói chung, các cơ quan liên quan buộc phải thực hiện và "hứa" rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít các cơ quan chức năng, nhà đầu tư làm tốt việc này thì phần lớn thực hiện chưa tốt hoặc không thể thực hiện được do thiếu khả thi.

Đất nông nghiệp là nguồn sống, tư liệu sản xuất của người nông dân, tất nhiên khi bị thu hồi "nguồn sống", là miếng cơm, manh áo gắn bó với người nông dân bao đời, nhiều gia đình qua hàng bao đời gắn bó với mảnh đất ấy thì đó là điều không người nông dân nào muốn. Đây là thiệt thòi rất lớn, khó có thể bù đắp, trước hết là về mặt tinh thần, sau đến là trực tiếp đến cuộc sống của họ bị xáo trộn, đảo lộn và phần lớn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, vì các mục đích khác nhau mà họ phải giao đất cho nhà nước, cho các nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án.

Theo nguyên tắc khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì sẽ không được cấp đất tái định cư, bồi thường bằng mảnh đất khác tương ứng như thu hồi đất thổ cư. Họ mà chỉ được bồi thường một khoản tiền theo giá nhà nước quy định và hỗ trợ khoản thiệt hại về hoa màu trên đất (nếu có), nhưng rất ít. Thậm chí có nơi có nơi 1m2 đất nông nghiêp chỉ bằng… bát phở (như ở Quảng Nam), có nơi thì chỉ được vài trăm nghìn đồng (đồng bằng sông Cửu Long)… Người nông dân khi bị thu hồi đất bao giờ cũng thiệt thòi, theo kiểu thiệt đơn, thiệt kép: Tiền đền bù quá thấp quá ít; không có đất để tiếp tục sản xuất, tương lai bản thân, gia đình đối mặt với nhiều khó khăn... Do đó, nhiều người cho rằng khi bị thu hồi đất nông nghiệp thì coi như bị mất trắng.

Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp luôn luôn phản đối, khiếu kiện khắp nơi, nhiều trường hợp chống trả quyết liệt để bảo vệ đất nông nghiệp... mà thời gian qua đã chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.

Do đó, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này các cơ quan chức năng nhất thiết phải tính toán đầy đủ, có chính sách hỗ trợ đặc biệt, cụ thể thiết thực cho người nông dân khi thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, trước hết phải xem xét bồi thường bằng đất nông nghiệp cho người dân, nếu sau khi thu hồi người dân không còn diện tích đất tối thiểu để sản xuất, sinh sống. Thứ hai, cần tăng giá đền bù đối với đất nông nghiệp lên khoảng bằng 50 - 70% so với giá đất thổ cư đối với vùng đô thị; 30 - 50 % đối với vùng nông thôn; 30 - 40% ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 của Chính phủ). Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể, dài hạn và thiết thực trong việc hỗ trợ người dân bị thu hồi đất nông nghiệp như hỗ trợ cấp thẻ bảo hiếm y tế, ưu tiên xuất khẩu lao động ở nước ngoài, miễn phí khi tham gia các khóa đào tạo nghề… 

Có như vậy, mới bảo vệ phần nào, bù đắp phần nào thiệt thòi cho người nông dân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, nhất là thu hồi đất nông nghiệp để làm các khu công nghiệp, dự án du lịch, dự án công nghiệp, sân golf diễn ra phổ biến hiện nay.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.