Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa VIII: UBND tỉnh giải quyết, trả lời ý kiến cử tri
*Cử tri huyện Ea Súp:
- Cử tri kiến nghị tỉnh cho chủ trương, kinh phí quy hoạch và di dời các hộ dân sống quanh hồ Ea Súp Hạ và dưới chân đập Ea Súp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn tính mạng người dân.
+ Ngày 30-8-2011, UBND huyện Ea Súp có Công văn số 834/UBND-TCKH với nội dung xin chủ trương lập dự án di dời khoảng 200 hộ dân cư ra khỏi vùng ngập lụt xã Cư M’lan và thị trấn Ea Súp. Để có cơ sở và căn cứ tham mưu cấp trên giải quyết, ngày 11-10-2011 đại diện Sở NN&PTNT (Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy lợi và PCLB) đã cùng với Sở KH&ĐT và UBND huyện Ea Súp tiến hành khảo sát địa bàn. UBND huyện Ea Súp đã thống nhất ghi nhận các ý kiến đóng góp của các sở ngành và tiến hành khảo sát, rà soát thống kê cụ thể lại số hộ, số nhà, diện tích đất ở, đất sản xuất ở khu vực dự kiến ngập lụt, khu dân cư… Các giải pháp, biện pháp triển khai theo yêu cầu của đoàn công tác UBND huyện sẽ có báo cáo cụ thể chính thức trước ngày 30-11-2011 gửi Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên đến nay chưa nhận được báo cáo của huyện Ea Súp.
1.Về thực trạng vùng đề nghị di dời:
Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, khu vực huyện đề nghị xin chủ trương lập dự án di dời khoảng 200 hộ dân cư ra khỏi vùng ngập lụt xã Cư M’lan và thị trấn Ea Súp nhưng thực tế vùng dự kiến di dời này nằm trong thị trấn Ea Súp chứ không phải xã Cư M’lan. Qua khảo sát, địa bàn dân thuộc thị trấn Ea Súp quản lý liên quan đến việc xin di dời tạm phân thành 3 khu vực: khu vực dọc đường bao ven hồ Ea Súp Hạ, khu vực dưới chân hồ đập và trong lòng hồ đang có một số ít hộ đang sinh sống làm nhà ở và sản xuất trồng cây ngắn ngày và cây dài ngày; đa phần là dân các nơi đến đã ở lâu năm, chưa xác định được số hộ - khẩu, diện tích đất ở, đất sản xuất và công trình nhà cửa đã xây dựng ở 3 khu vực này; số hộ trên có nơi đã thành lập tổ dân phố và khu liên gia. Năm 2008, UBND huyện Ea Súp đã có chủ trương quy hoạch di dời số hộ này nhưng không triển khai được, nguyên nhân do khu dân cư dự kiến quy hoạch xã Cư M’lan không bảo đảm các điều kiện tái định cư sản xuất và đất dự kiến khu dân cư (khoảng 30 ha) đang bị dân xâm canh, xa khu trung tâm nên từ đó đến nay số hộ dân dự kiến di dời này vẫn không thực hiện được.
Việc di dời khoảng 200 hộ dân quanh hồ Ea Súp, trong lòng hồ và dưới chân đập Ea Súp ra khỏi vùng ngập lụt theo đề nghị của huyện là việc cần thiết, tuy nhiên đây là việc làm liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều ngành, hết sức khó khăn và tốn kém như phải đền bù (nhà ở, công trình phụ, cây trồng…) và đất đai của các hộ dân bởi số dân này đã ở lâu đời, có nhà cửa kiên cố, bán kiên cố và đất sản xuất tương đối ổn định; đồng thời, phải quy hoạch đầu tư xây dựng một khu dân cư mới đảm bảo các yêu cầu an sinh xã hội cho người dân; cần một khoản kinh phí lớn để giải quyết đồng bộ các vấn đề này (chi phí đền bù và xây dựng nơi định cư mới). Điểm dân cư dự kiến di dời đang thuộc phạm vi thị trấn Ea Súp, do UBND huyện Ea Súp quản lý, các chi phí liên quan đến đền bù không thuộc phạm vi đầu tư của Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, do ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
2.Đề xuất giải pháp và biện pháp thực hiện:
Để có hướng quy hoạch cụ thể trước mắt cũng như lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ea Súp:
-Rà soát thống kê cụ thể lại số hộ hiện đang nằm trong đường bao ven hồ, trong lòng hồ và dưới chân đập để có phương án di dời cụ thể; nếu có vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi báo cáo cấp thẩm quyền xem xét giải quyết;
-Xác định điểm quy hoạch mới làm cơ sở xây dựng phương án di dời số hộ dân trên vào vùng quy hoạch (gắn liền với đề án xây dựng nông thôn mới), đảm bảo đất ở, đất sản xuất khu tái định cư lâu dài; hoặc xem xét bố trí vào các dự án đã lập, phê duyệt trên địa bàn huyện như Dự án điều chỉnh và mở rộng dự án Ia T’mốt, hoặc dự án ổn định dân di cư tự do xã Ia J’lơi…
Sau khi UBND huyện Ea Súp rà soát, có báo cáo phân tích, đánh giá về hiện trạng và đề xuất địa điểm quy hoạch cụ thể (số hộ di dời, địa bàn di dời, nguồn vốn quy hoạch, di dời, đền bù nếu có…), UBND tỉnh giao các ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương triển khai thực hiện.
*Cử tri huyện Ea Kar:
-Cử tri kiến nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí xây dựng Cụm Công nghiệp Ea Đar.
+ Hiện Cụm Công nghiệp Ea Đar đã đi vào hoạt động; ngân sách tỉnh đã bố trí 22.413 triệu đồng để thực hiện một số hạng mục thuộc ngân sách tỉnh như: Đền bù giải phóng mặt bằng, đường giao thông trục chính, cổng tường rào bao quanh… Đề nghị UBND huyện Ea Kar chỉ đạo đơn vị quản lý Cụm Công nghiệp Ea Đar đôn đốc kêu gọi nhà đầu tư, khẩn trương thực hiện một số hạng mục công trình thuộc nguồn vốn doanh nghiệp để cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng. Đến nay, Ngân sách Trung ương chưa bố trí cho cụm công nghiệp này (6 tỷ đồng); do vậy, đối với hạng mục công trình xử lý nước thải, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn để triển khai thực hiện.
-Cử tri thị trấn Ea Knốp phản ánh việc giải quyết chế độ cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam còn chậm.
+Việc giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ họ bị nhiễm chất độc hóa học còn chậm vì: Ngày 17-9-2012, Bộ LĐTB&XH có Công văn số 3283/LĐTBXH-NCC về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó nêu rõ: Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 16-7-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1-9-2010. Kể từ thời điểm này, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26-5-2006 và Nghị định số 89/2008/NĐ-CP, ngày 13-8-2008 hết hiệu lực thi hành. Việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi người có công sẽ tiếp tục thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.
Ngày 9-4-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 331/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, theo Công văn số 4515/BYT-KCB, ngày 25-7-2013 của Bộ Y tế thì hiện nay chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định chắc chắn bệnh tật nào do chất độc hóa học gây ra để xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Do vậy Bộ Y tế không có cơ sở khoa học để ban hành danh mục bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học để xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, khi có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xem xét, sửa đổi, bổ sung danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Do đó, việc giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học còn chậm.
(Còn nữa)
Giang Nam – Đàm Thuần (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc