Multimedia Đọc Báo in

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam:

Chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua cái nhìn của các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý phương Tây

08:46, 10/01/2014
Những bản đồ thế giới hay bản đồ Đông Nam Á được các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX hiện đang được trưng bày trong Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại  Bảo tàng tỉnh cũng là một trong những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuối thế kỷ XVI ở phương Tây xuất hiện hàng loạt bản đồ của các nhà hàng hải về khu vực Biển Đông và Pracel (Hoàng Sa). Có thể kể đến như: Bản đồ East India do Petrus or Pieter vẽ năm 1594; bản đồ Đông Ấn do Jodocus Hondius vẽ năm 1613; bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1617; bản đồ India Orientalis do Gerard Mercator vẽ năm 1630; bản đồ Insuloe Indioe Orientalis do Jodocus Hondius vẽ năm 1632; bản đồ Carte de L’Asie do Van Lochem vẽ năm 1640; bản đồ India quoe Orientalis dicitur, et Insvloe Adiacentes do Willem Janszooon Blaeu vẽ năm 1645; bản đồ Indioe Orientalis do Visscher vẽ năm 1680; bản đồ Carte des Coster de L’Asie sur l’ocean contenant les bancs isles et costes & c. do Alexis Hubert Jaillot vẽ năm 1720… Trên những bản đồ này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên các bản đồ này. Đầu của “lưỡi dao” thường ghi: I.de Pracel hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels… Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi: Pulo Sissir (hay Pullo Sissir, Pulo Ceescir), gồm hai đảo: Puloo Sissir da Terra  (Cù Lao Câu) và Puloo Sissir do Mar (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay. Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với quần đảo mà người phương Tây ghi là Pracel hay Paracel được ghi chú là Costa da Paracel hay Coste de Pracel, tức là bờ biển Hoàng Sa hay là Costa de Campa, tức là bờ biển Chămpa. Cách ghi này chứng tỏ các nhà hàng hải, các nhà địa lý phương Tây lúc bấy giờ đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo này thuộc về Việt Nam.

An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục người Pháp Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, đã khẳng định Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Bản gốc của bản đồ này đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục người Pháp Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, đã khẳng định Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Bản gốc của bản đồ này đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.

 Bản đồ của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595 cũng là một trong những bản đồ tiêu biểu giai đoạn này. Bản đồ vẽ khá chi tiết, trình bày đẹp, phong phú. Hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ I.de.Pracel. Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh)… ở ven bờ. Trong dải đất liền về phía Việt Nam khoảng khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, bản đồ có đánh dấu Costa de Pracel khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa I.de.Pracel (đảo Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa) ở vùng Quảng Ngãi, là cơ sở xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Vương quốc Chămpa và Chúa Nguyễn đối với Hoàng Sa trước và trong thời điểm vẽ bản đồ.

Đặc biệt trên tờ bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng. Giám mục Taberd là tác giả một bài viết in trong tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal (số 6, năm 1837) xuất bản tại Caltuta, đã khẳng định: “Paracel hay Pracel, tức là Hoàng Sa – Cồn Vàng” thuộc về Việt Nam. Bản gốc của bản đồ này hiện đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.

Những bản đồ cổ phương Tây trưng bày trong triển lãm này có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX đều có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam lúc bấy giờ.

Đ.T


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.