Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 124 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2014)

Những bài ca vang vọng tên Người

09:14, 17/05/2014
Nữ nhà văn Liên Xô (cũ) I. Lép-sen-cô, sau một lần được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với Bác đã từng thốt lên: “Tôi chưa thấy một người nào mà sau khi gặp đồng chí Hồ Chí Minh, dù chỉ một lần, mà người đó lại không thốt lên khi nhớ đến cuộc gặp gỡ : “Thật là một con người tuyệt vời !” (…). Tất cả cuộc đời của Người và tất cả những ý nghĩ của Người đều cống hiến cho cuộc đấu tranh vì tự do và hạnh phúc của nhân dân (…). Người biết tiếp thêm ý chí và niềm tin chiến thắng cho các lực lượng trẻ của đất nước, cho những tâm hồn và trái tim”.

Với chúng ta, hai tiếng Bác Hồ đã thành tiếng gọi thành kính và thiêng liêng. Nó khắc sâu, in đậm trong tâm khảm và trong trái tim của mỗi một người dân đất Việt. Thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc về hình ảnh lãnh tụ anh minh, đức độ sáng ngời của Người, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã sáng tạo nên biết bao tác phẩm quý giá đã và đang được lưu giữ, lưu truyền trong kho tàng vô giá của nền văn hóa dân tộc.

Hình ảnh Bác kính yêu của chúng ta luôn hiện diện “trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời, ta luôn có Bác …” cho dù năm tháng có qua đi, cho dù vật đổi sao dời, cho dù lịch sử sẽ biến thiên thăng trầm theo quy luật. Hàng chục năm về trước, thiếu nhi Việt Nam đã say sưa hát bài “Em mơ gặp Bác Hồ” (Nhạc và lời: Xuân Giao): “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má Bác/ (…); Bác mỉm cười Bác khen em ngoan …”. Từ đó đến nay đã hàng chục năm trôi qua, nhưng âm hưởng của ca khúc, những ước mơ được “vui bên Bác” thì vẫn còn mãi đó với thời gian.

Có thể nói, nhiều ca khúc viết về Bác đã trở thành những bài ca bất hủ để lại niềm xúc cảm sâu lắng trong lòng người nghe. Nhưng đặc biệt ghi dấu ấn là những ca khúc viết về Bác ở vào những thời điểm đặc biệt nhất. Mảnh đất Pắc Bó, nơi đón Bác trở về sau 30 năm xa nước- mảnh đất đầy nhớ, đầy thương đó đã gợi nên mạch cảm xúc để cho nhạc sĩ Nguyến Tài Tuệ sáng tạo nên ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”. Từ dấu chân Bác giữa rừng Pắc Bó, bốn năm sau, Bác cùng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng những ngày đầu thành lập, đất nước rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta phải đối mặt với bao thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và nhất là giặc ngoại xâm. Với bọn ngoại xâm, chúng ta muốn hòa bình, chúng ta càng nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng chúng càng lấn tới. Thế là một lần nữa, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Đảng, Bác và Trung ương đã chọn Việt Bắc làm “thủ đô” cho những năm trường kháng chiến. Tại chiến khu Việt Bắc, nơi có “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa…”, đã in đậm dấu ấn của Người. Sau chiến công “Chín năm làm một Điện Biên”, Bác cùng Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội. Thế là mỗi lần có ai “về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người”. Đó cũng là mạch cảm xúc chủ đạo để nhạc sĩ Phạm Tuyên viết nên ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”. Cho đến ngày Bác đi xa “để lại muôn vàn tình thương yêu” cho mọi người, thì ai ai cũng muốn được nói lên lòng tiếc thương vô hạn của mình đối với Người thông qua những tiếng lòng đồng vọng. Có thể nói, dù Bác chúng ta đã “lên đường theo tổ tiên; Mác – Lênin thế giới người hiền”, nhưng trong tâm thức mọi người thì “Bác còn sống mãi với quê hương đất nước/ Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương”. Tuy vẫn biết “trời xanh là mãi mãi”, “biển xanh là mãi mãi”, “mà sao nghe nhói ở trong tim”. Bác đã đi xa gần nửa thế kỷ rồi mà những dòng người vẫn ngày ngày “Vào lăng viếng Bác”, để kết thành những tràng hoa đẹp dâng lên Bác kính yêu.

Ngoài ca khúc “Vào lăng viếng Bác” chứa đựng tình cảm thành kính, thiêng liêng đối với Bác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (phổ thơ Viễn Phương), nỗi nhớ Bác Hồ còn được rất nhiều nhạc sĩ thể hiện trong các ca khúc khác của mình, như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên; “Về Kim Liên nhớ Bác” của Hồ Hữu Thới; “Miền Trung nhớ Bác” của Thuận Yến; “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của Lê Lôi… Những ca khúc viết về Bác Hồ là tiếng lòng của người Việt Nam được thể hiện qua giai điệu thể hiện tình cảm sâu nặng của cả dân tộc đối với vị lãnh tụ kính yêu và đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.

Nguyễn Viết Chính


Ý kiến bạn đọc