Multimedia Đọc Báo in

Nêu cao ý thức tự lực, tự cường, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Dak Lak văn minh, giàu mạnh

11:04, 17/11/2014

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt kết quả quan trọng. Để hiểu rõ hơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác dân tộc cũng như kết quả việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, PV Báo Dak Lak đã phỏng vấn đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về các nội dung trên.

Đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải) đang trao đổi với các đại biểu để thực hiện tốt hơn công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS.
Đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải) đang trao đổi với các đại biểu để thực hiện tốt hơn công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS.

°Thưa đồng chí, ngoài những chính sách chung, tỉnh Dak Lak  đã có những chính sách đặc thù nào để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)?

Từ năm 1990 đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, như: Chương trình 134, 135 về cấp đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… Những chủ trương, chính sách này đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả rất tích cực, thể hiện sự ưu việt của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngoài các chương trình, chính sách của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh, như: Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 14-01-2005 của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đến năm 2010; Nghị quyết số 03, ngày 09-7-2010 của HĐND tỉnh về việc dạy tiếng Êđê trong trường tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 1355, ngày 26-6-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2011-2015",… Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04, ngày 17-11-2004 về phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh...

a
Các bà, các chị ở buôn Tring 2 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) gắn bó và phát huy nghề dệt truyền thống.

 Những chủ trương, chính sách trên đã góp phần tạo chuyển biến nhanh về kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng theo hướng tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã được nâng lên, chênh lệch khoảng cách giữa các vùng từng bước được thu hẹp. 100% xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã, đa số xã đã có điện lưới quốc gia, 90% xã và 70% hộ được dùng điện sinh hoạt, hơn 95% xã có điện thoại, 100% xã có trạm y tế; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn thôn, buôn được giữ vững, lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.

°Có thể nói, chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực cho vay vốn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ DTTS…, vậy theo đồng chí, nguyên do từ đâu?

Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là động lực để bà con các DTTS vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, buôn làng giàu đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, về khách quan đó là: Địa bàn tỉnh rất rộng, đồng bào DTTS cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trình độ dân trí hạn chế; kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Về chủ quan là: Nguồn vốn Trung ương đầu tư hằng năm cho tỉnh để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án còn hạn chế, trong khi đó kinh phí của tỉnh rất khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa đồng bộ, chặt chẽ; công tác tuyên truyền còn hạn chế; việc nắm bắt, giải quyết một số tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào ở nhiều nơi chưa kịp thời; đặc biệt, một bộ phận đồng bào DTTS chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Những nguyên nhân chủ yếu nói trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước khắc phục các khuyết điểm, hạn chế đã nêu.

°Kết quả thực hiện chính sách dân tộc góp phần quyết định bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển ổn định, bền vững của địa phương. Vậy, trong thời gian tới tỉnh ta tập trung chỉ đạo như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, thưa đồng chí?

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc để kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây ra biểu tình, bạo loạn, tạo cớ can thiệp chính trị, can thiệp vũ trang... tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém đã nêu, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng Dak Lak ngày càng văn minh, giàu mạnh, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc, tạo chuyển biến thực sự từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức đúng đắn, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng ngành; có chương trình, kế hoạch cụ thể, biết sử dụng nguồn lực hỗ trợ của cấp trên cộng với sự tự thân vận động, huy động sức dân thì ở đó công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đơn vị mình, trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào, phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc của đồng bào, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động phát huy tối đa nội lực của từng hộ gia đình và từng địa phương, giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng...

Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc