Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 14-6-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”, trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu lãnh đạo việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng địa phương; nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề thuộc lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử trên địa bàn tỉnh. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, nhiều cấp ủy các đơn vị, sở, ban, ngành đã rất coi trọng và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.
Đến nay, ở trong tỉnh đã biên soạn và xuất bản được hơn 50 đầu sách về Lịch sử Đảng bộ, Lịch sử truyền thống. Ở cấp tỉnh, đã biên soạn, xuất bản 3 cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh (giai đoạn 1930-1954, giai đoạn 1954-1975 và giai đoạn 1975-2005); xuất bản một số sách chuyên đề như: “Buôn Ma Thuột – trận đánh lịch sử”; “Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột 1930-1945” (đã bổ sung, tái bản), “Kỷ yếu Hội thảo 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột”, “Hồi ức Mùa xuân” (viết về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân – 1968 ở Đắk Lắk), “Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk 100 năm hình thành và phát triển”, “Địa chí Đắk Lắk”…. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh đã xuất bản lịch sử truyền thống của Ngành. Ở cấp huyện, có 12/15 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ đến giai đoạn 2000-2010, còn 3 huyện, thị do mới thành lập nên chưa đủ thời gian biên soạn (Buôn Đôn, Cư Kuin, Buôn Hồ). Ở cấp cơ sở, có 4 xã đã biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ. Ngoài ra, một số đơn vị đang tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình trình lịch sử.
Nhìn chung các công trình lịch sử được xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Nhiều công trình đã chú ý tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do đó đã góp phần quan trọng giáo dục truyền thống, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đấu tranh bảo vệ quê hương, xây dựng Đắk Lắk ngày càng phát triển.
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, công tác giáo dục truyền thống được các cấp, các ngành, các đoàn thể chú trọng với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, chuyển tải nội dung lịch sử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các ngày lễ lớn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn tài liệu tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan tổ chức các sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh có những hoạt động thiết thực góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống; tổ chức trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử truyền thống địa phương.
Những cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ kính yêu, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lịch sử đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ huyện, thành phố... đều thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng lịch sử nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng và dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống còn một số hạn chế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử, chưa thực sự quan tâm đúng mức việc lãnh đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Chất lượng một số sách lịch sử, giáo dục truyền thống còn thấp, nặng về miêu tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết thực tiễn. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đưa lịch sử địa phương, lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy, học tập trong nhà trường chưa được thường xuyên.
Trong thời gian tới, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền phải coi công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng. Xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn giai đoạn 2015-2025”.
Hai là, nâng cao hiệu quả chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, thẩm định các công trình biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương, ngành.
Ba là, bố trí cán bộ có năng lực và thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử ở Ban Tuyên giáo các huyện, thị xã, thành phố.
Bốn là, phát huy hiệu quả việc sử dụng các ấn phẩm về lịch sử, truyền thống cách mạng đã xuất bản, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục những tri thức lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc trong các nhà trường. Cần quy định cụ thể việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống tại Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị và trong các lớp bồi dưỡng đảng viên mới...
Lưu Tiến Vinh
(Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc