Multimedia Đọc Báo in

Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh - 40 năm xây dựng và phát triển

07:37, 26/07/2015

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng và trưởng thành về mọi mặt.

Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập, lực lượng kiểm sát nòng cốt lúc này rất mỏng, chủ yếu là những đồng chí từ VKSND các tỉnh phía Bắc được điều động vào và bộ đội, cán bộ ngành khác chuyển sang, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng đơn vị đã tập trung vào việc bảo vệ quyền dân chủ của công dân, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng, thiết lập và củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa. Viện cũng đã góp phần trấn áp kịp thời, mạnh mẽ đối với bọn phản cách mạng, bọn gián điệp do Mỹ - ngụy cài lại, trừng trị nghiêm khắc bọn cầm đầu các tổ chức vũ trang, hoạt động xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài, bọn gian thương phá rối thị trường, các băng ổ lưu manh, côn đồ, giết người, cướp của; vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tham gia giải quyết các tệ nạn xã hội để giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng; tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và vận động nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Đồng thời, thông qua việc đấu tranh chống các tội phạm hình sự, đơn vị đã làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục mọi người tuân thủ pháp chế, phát hiện kiến nghị cùng các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân khắc phục những vi phạm chính sách và pháp luật…

Lãnh đạo Viện KSND tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách  có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Krông Bông.                       Ảnh: Hữu Thức
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Krông Bông. Ảnh: Hữu Thức

Giai đoạn 10 năm đầu tiên đội ngũ cán bộ Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ máy làm việc của VKSND tỉnh cơ bản được bổ sung đủ cán bộ cho các bộ phận nghiệp vụ và bổ sung cán bộ cho các VKSND cấp huyện, từ đó hệ thống VKSND cấp huyện cũng lần lượt ra đời. Công tác kiểm sát chung do Viện kiểm sát tỉnh tiến hành đã chỉ ra được những yếu kém trong công tác quản lý tài sản, giao dịch giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan kinh tế và tư nhân. Thông qua kiểm sát chung, VKSND hai cấp trong tỉnh đã chủ động khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố nhiều vụ án kinh tế; ngoài các lĩnh vực trọng điểm, Viện kiểm sát còn quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại một số đơn vị thuộc ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, lao động… Tùy theo tình hình và yêu cầu cụ thể, các phương thức công tác kiểm sát được tiến hành đồng bộ vận dụng một cách linh hoạt, sắc bén, nên đã kết thúc công việc nhanh gọn, sớm phát huy được hiệu quả.

Công tác kiểm sát chung có nhiều đổi mới về phương thức kiểm sát; đồng thời bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, của địa phương, tập trung kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đất đai, ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước... Sau khi phát hiện những sai phạm, VKSND tỉnh đã kiến nghị yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật; yêu cầu khởi tố và trực tiếp khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự. Đặc biệt còn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của các vi phạm, cũng như trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể có liên quan.

Trong việc thực hiện chức năng công tố, VKSND hai cấp tỉnh và huyện đã tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng cơ chế đổi mới kinh tế để xâm phạm tài sản của nhà nước, các tội phạm nguy hiểm như ma túy, giết người, cướp của. Đồng thời, tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm cho việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ pháp luật; chú trọng thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bước sang thế kỷ XXI, VKSND tỉnh cùng với toàn ngành KSND thực hiện nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường công tác xây dựng Ngành, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tích cực triển khai nghiêm túc, hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”...

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, những năm qua, ngành KSND tỉnh đã tổ chức kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa một cách hiệu quả.

Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển có thể thấy VKSND tỉnh đã có sự trưởng thành, lớn mạnh toàn diện, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành KSND, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ghi nhận về kết quả đã đạt được, trong những năm qua, VKSND tỉnh và các đơn vị trong Ngành đã được các cấp có thẩm quyền tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành KSND và truyền thống 40 năm xây dựng, trưởng thành của ngành KSND tỉnh, VKSND tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong thời gian tới, ngành KSND tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, khắc phục và vượt qua những khó khăn thử thách, xây dựng Ngành ngày càng trưởng thành về mọi mặt, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trần Đình Sơn

Viện trưởng VKSND tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.