Multimedia Đọc Báo in

Phát huy sức mạnh nội lực, xây dựng, phát triển thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị sinh thái và giàu bản sắc

10:18, 24/07/2015

Là đô thị có vị trí trung tâm cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, thị xã Buôn Hồ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc gắn kết với các địa bàn khác trên toàn vùng như Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đô thị.

Một góc thị xã Buôn Hồ hôm nay.
Một góc thị xã Buôn Hồ hôm nay.

Được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Krông Búk cũ theo Nghị định 07/NĐ-CP, ngày 23-12-2008 của Chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên hơn 28 ngàn ha, dân số trên 98 ngàn người (2010), bao gồm 7 phường, 5 xã, thị xã Buôn Hồ có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi về nhiều mặt để phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội tại tiểu vùng phía Bắc của tỉnh. Để lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ thị xã luôn chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tổ chức xây dựng Đảng, sắp xếp lại các TCCS đảng theo loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hơn. Hiện nay, Đảng bộ thị xã có 35 TCCS đảng (trong đó 21 đảng bộ và 14 chi bộ), giảm 11 TCCS đảng so với đầu nhiệm kỳ. Coi trọng công tác phát triển đảng viên, Thị ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Xây dựng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố (TDP) và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường” đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp mới được 834 đảng viên (trong đó, DTTS 171 người, tôn giáo 47 người) nâng tổng số đảng viên trong toàn thị xã lên 2.819 đồng chí; 100% thôn, buôn, TDP, trường học công lập và 41,7% trạm y tế xã, phường trên địa bàn thị xã có chi bộ đảng… Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã trong 5 năm qua đạt 12,25%/năm, trong đó, nông – lâm - thủy sản tăng 6,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 24,86%; thương mại- dịch vụ tăng 16,22%. Quy mô nền kinh tế năm 2015 gấp 1,78 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ: nông – lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 41,15%; công nghiệp – xây dựng 16,52; thương mại - dịch vụ 42,33%. Sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm đạt trên 48.000 tấn; sản lượng cà phê 33.000 tấn, hồ tiêu 1.500 tấn. Diện tích cây dài ngày tăng, nhất là hồ tiêu từ 685 ha lên 1.580 ha. Thương mại – dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 16,59%/năm, giá trị năm 2015 ước đạt 2.769 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2010. Trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, toàn thị xã đã huy động được 180,201 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó ngân sách Nhà nước 41,813 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 121,223 tỷ đồng; huy động từ doanh nghiệp 6,833 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 10,332 tỷ đồng. Đến nay, xã Ea Blang và Cư Bao (2 xã điểm của thị xã) đạt 17/19 tiêu chí. Theo Nghị quyết năm 2015 của Thị ủy, phấn đấu đến cuối năm 2015, cả 2 xã Ea Blang và Cư Bao sẽ hoàn thành chương trình XDNTM. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội. Đến nay, thị xã cơ bản hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch đô thị, tạo tiền đề để quản lý và phát triển đô thị trong tương lai. Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông không ngừng được đầu tư, xây dựng, mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa nhiều tuyến đường quan trọng, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Y Biêr Niê (trái) thăm hỏi,  động viên và trao quà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bốn ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ.   Ảnh: Ngọc Bích
Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Y Biêr Niê (trái) thăm hỏi, động viên và trao quà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bốn ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Ngọc Bích

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội, đến nay, toàn thị xã có 68 cơ sở giáo dục, trong đó 23/56 trường đạt Chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn càng tăng; thị xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; hằng năm huy động trên 64% trẻ trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo; 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; có trên 97,6% dân số từ 15 đến 25 tuổi biết chữ; tỷ lệ trẻ em 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,83%; thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 84,83%. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ được tăng cường đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện Đa khoa thị xã được nâng cấp lên bệnh viện hạng II với quy mô 200 giường bệnh; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Song song đó là đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Trong 5 năm, đã giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,2% năm 2010 xuống còn 3% năm 2015. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nhất là vùng xa trung tâm và vùng đồng bào DTTS.

Bước vào nhiệm kỳ mới, khó khăn và thách thức không nhỏ, song với tiềm năng, nội lực sẵn có, cùng với những thành tựu đạt được, Đảng bộ thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của thị xã… Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III vào năm 2020, là đô thị sinh thái, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Đắk Lắk - Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Y Biêr Niê 

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.