Multimedia Đọc Báo in

Sức lan tỏa của Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

09:04, 11/08/2015

Xác định Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Ban tổ chức cuộc thi các cấp của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai sâu rộng và thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Sức lan tỏa của cuộc thi đã góp phần đưa Hiến pháp năm 2013 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Để triển khai có hiệu quả cuộc thi, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi trên toàn quốc, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai, thành lập Ban tổ chức cuộc thi, ban hành thể lệ, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cuộc thi của tỉnh đã tổ chức lễ phát động, treo băng rôn tuyên truyền; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bài viết giới thiệu về cuộc thi và các văn bản phục vụ cuộc thi trên các phương tiện truyền thông và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp. Các đơn vị, địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo triển khai cuộc thi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như phát trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, cuộc họp giao ban, tổ chức lễ phát động… Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia cuộc thi. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đưa nội dung này vào sinh hoạt của Chi bộ, Đảng bộ để quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên về mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc chấp hành Hiến pháp cũng như nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong triển khai thi hành Hiến pháp nói chung và cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nói riêng. Ông K’Sơr Y Thông, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Ea H’leo – đơn vị đạt giải Nhì tập thể của cuộc thi cấp tỉnh cho biết, trên cơ sở kế hoạch tổ chức cuộc thi của tỉnh, Phòng Tư pháp huyện đã kịp thời tham mưu giúp UBND huyện ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc cuộc thi; đồng thời tổ chức lễ phát động cuộc thi tại huyện để làm cơ sở cho việc chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị, nhằm thu hút đông đảo các đối tượng tham gia dự thi. Trong quá trình tổ chức cuộc thi, hầu hết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã thị trấn, trường học trên địa bàn huyện đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn hình thức thích hợp để tổ chức phát động, quan tâm đôn đốc cán bộ công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân của đơn vị mình tham gia dự thi với tinh thần sôi nổi, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Trong số trên 5.600 bài dự thi gửi về Ban tổ chức cuộc thi của huyện, nhiều bài đã có sự đầu tư khá công phu, kèm hình ảnh minh họa phong phú, sinh động và có chất lượng.

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh trao giải Nhì tập thể cho UBND huyện Ea H’leo và UBND huyện Krông Ana.
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh trao giải Nhì tập thể cho UBND huyện Ea H’leo và UBND huyện Krông Ana.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban tổ chức cuộc thi các cấp, của cấp ủy Đảng, chính quyền các đơn vị, địa phương, sau gần 10 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh với số lượng bài dự thi khá lớn là 90.669 bài, trong đó, Ban tổ chức cuộc thi của tỉnh nhận được 7.341 bài, Ban tổ chức cuộc thi các huyện, thị xã, thành phố nhận được 83.328 bài. Sau khi chấm thi, Ban tổ chức cuộc thi của tỉnh đã chọn được 16 tập thể và 26 cá nhân để trao giải. Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều bài dự thi của các cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự đầu tư công phu, phân tích sâu sắc, rõ ràng, chi tiết, sử dụng nhiều nguồn tư liệu quý giá, tranh ảnh minh họa phong phú, phù hợp với từng nội dung câu hỏi, có sự sáng tạo riêng trong phong cách trình bày. Đặc biệt, một số bài dự thi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, làm nổi bật được những điểm mới đột phá của Hiến pháp năm 2013 so với những bản Hiến pháp trước đây. Cuộc thi đã thực sự lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh khi có rất nhiều thí sinh là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên. Qua đó có thể thấy được tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, nỗ lực của người dự thi đối với bản Hiến pháp mới của nước ta – bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập.

Để có một bài dự thi chất lượng, điều quan trọng nhất là ý thức đúng đắn và tâm huyết của các tác giả với cuộc thi. Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hồng, Phòng Nội vụ huyện Cư M’gar được trao giải Nhất của cuộc thi chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc thi nhưng ý thức được tầm quan trọng của cuộc thi lần này, tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, bám sát nội dung câu hỏi để nghiên cứu, tìm tòi các tư liệu có liên quan và các hình ảnh minh họa phù hợp. Sau gần 3 tháng, tôi đã hoàn thành bài thi trên 400 trang gồm 3 phần: lời nói đầu, nội dung, kết luận và đã đoạt giải Nhất cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Đây là niềm vui, sự động viên, khích lệ rất lớn để tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành một tuyên truyền viên đắc lực, tiếp tục phổ biến sâu rộng nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm đánh giá: “Tuy còn những hạn chế như một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai cuộc thi đúng mức, nhiều bài dự thi chất lượng chưa cao hoặc sao chép y nguyên trên mạng Internet… nhưng có thể khẳng định, Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã thành công và đạt yêu cầu, mục đích đề ra với chất lượng cao, tạo được sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua cuộc thi đã phổ biến rộng rãi nội dung cũng như ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân”.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.