Xây dựng ngành Thanh tra xứng đáng là nòng cốt bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các tổ chức thanh tra ở các tỉnh, thành miền Nam được thành lập, ổn định tổ chức và hoạt động nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đất nước.
Tháng 10-1976, Ủy ban Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã được thành lập. Đến nay, sau 39 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có bước trưởng thành vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Ban đầu chỉ có 5 cán bộ từ khu V và miền Bắc vào, đến nay ngành Thanh tra Đắk Lắk đã có một hệ thống tổ chức khá hoàn chỉnh gồm: Thanh tra tỉnh, 16 cơ quan Thanh tra sở, ngành và 15 cơ quan Thanh tra huyện, thị xã, thành phố; hiện nay, toàn ngành có 278 cán bộ, công chức, người lao động, trong đó có 1 thanh tra viên cao cấp, 19 thanh tra viên chính, 148 thanh tra viên và các ngạch khác là 110 người. Đi đôi với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan Thanh tra cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Thời kỳ mới thành lập, Ủy ban Thanh tra tỉnh chỉ có một chi bộ đảng, đến nay Thanh tra tỉnh đã thành lập Đảng bộ cơ sở gồm 4 chi bộ trực thuộc và 38 đảng viên. Đảng bộ Thanh tra tỉnh nhiều năm liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh - là nhân tố quan trọng bảo đảm cho việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành trong những năm qua.
Trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra luôn không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác thanh tra đã góp phần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi đất nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh hội nhập, phát triển, ngành Thanh tra Đắk Lắk đã có những chuyển hướng phù hợp với tình hình mới, đổi mới tư duy, phương thức hoạt động và lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra. Với vai trò nòng cốt, ngành thanh tra đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2009-2015, ngành thanh tra đã chủ động tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài góp phần bảo đảm an ninh nông thôn, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ngành Thanh tra cũng đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng; gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, chống buôn lậu, gian lận thuế, đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Những kết quả công tác nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Qua đó càng khẳng định Thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý Nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Thanh tra có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước, là chức năng thiết yếu của quản lý, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, ngành Thanh tra phải không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, phương thức hoạt động, xây dựng ngành Thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh; trong đó chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thanh tra. Cán bộ thanh tra phải là lực lượng trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, xứng đáng “thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Tiếp tục thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt phải quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, gắn với kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Phạm Ngọc Nghị
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc