Multimedia Đọc Báo in

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

10:20, 21/06/2017

Thời gian qua, kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại được duy trì; hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn...

Có được những kết quả trên, bên cạnh sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, còn có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí và người làm báo. Báo chí nói chung, Báo Đắk Lắk và Đài PTTH tỉnh nói riêng đã thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân; đã tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong tỉnh  qua Báo Đắk Lắk.   Ảnh: N. Gia
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong tỉnh qua Báo Đắk Lắk. Ảnh: N. Gia

Đội ngũ những người làm báo không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về quy mô, số lượng và chất lượng, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt và ngày càng trẻ hóa. Những người làm báo đã tích cực bám sát địa bàn, thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực tế đang diễn ra tại cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt, kịp thời chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Báo chí còn thể hiện rõ nét tính tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… góp phần củng cố niềm tin ngày càng cao của nhân dân với Đảng và chính quyền tại địa phương.

Đặc biệt, báo chí đã chú trọng phát hiện, cổ vũ những điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt, những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội…; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ kỷ cương pháp luật; quảng bá văn hóa, nâng cao dân trí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thông qua báo chí và những người làm báo, nhân dân đã được thể hiện và tham gia ý kiến, nguyện vọng với Đảng và chính quyền, góp phần phát huy dân chủ trong đời sống xã hội; qua báo chí đã tập hợp được sức mạnh của cộng đồng, mọi nguồn lực và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong hoạt động của báo chí vẫn còn một số điểm cần khắc phục, đó là: đâu đó còn xuất hiện xu hướng tách rời định hướng, hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương với quyền tự do báo chí và cuộc sống của nhân dân, nhất là trên các trang báo mạng, báo điện tử… Một số phóng viên thường tập trung vào việc khai thác các vấn đề, nội dung “giật gân” để câu khách, không phản ánh khách quan, trung thực những ưu điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, dẫn đến cách hiểu và dư luận không tốt trong nhân dân.

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017.   Ảnh: G. Nam
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Ảnh: G. Nam

Trong thời gian tới, mong rằng các cơ quan báo chí của tỉnh và các nhà báo thường trú trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố, điển hình tiên tiến, làm cho cái tốt, cái đẹp ngày càng lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả và kịp thời những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng – văn hóa của Đảng ta.

Để làm tốt được nhiệm vụ lớn lao đó, đòi hỏi cán bộ, phóng viên báo chí phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung tuyên truyền kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) "về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới"; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; không ngừng tập hợp, đoàn kết rộng rãi các nhà báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Xây dựng đội ngũ người làm báo vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Mỗi người làm báo phải tự phấn đấu, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; phải tích cực học tập, rèn luyện và thấm nhuần sâu sắc về tư duy và phong cách báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là cần nâng cao hơn chất lượng công tác tuyên truyền trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về việc gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nắm chắc tình hình thực tiễn để xác định nội dung, biện pháp thông tin tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, kiên quyết không để xảy ra các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh công tác phối hợp, bảo đảm cho báo chí và đội ngũ người làm báo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở thực hiện Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, chủ động rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sản phẩm báo chí; xây dựng chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới sản phẩm báo chí theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả, nhất là về phương thức quản lý và tác nghiệp báo chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải thường xuyên quan tâm, hợp tác cởi mở, thân thiện với báo chí; thực hiện tốt Quy chế về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí bảo đảm đúng quy định nhằm đưa các thông tin một cách chính xác và kịp thời đến với người dân trong tỉnh.

Phạm Minh Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc