Multimedia Đọc Báo in

Để báo chí Đắk Lắk tiếp tục đổi mới, phát triển

10:20, 21/06/2017

Ngoài 3 cơ quan báo chí địa phương gồm: Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Cư Yang Sin của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện còn có 6 cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành đặt cơ quan đại diện và 12 cơ quan báo chí có phóng viên thường trú hoạt động.

Đến nay, Báo Đắk Lắk đã xuất bản đều đặn 5 kỳ/tuần; ngoài ra còn có Đắk Lắk Nguyệt san và Báo Đắk Lắk điện tử với lượng thông tin ngày càng đa dạng phong phú, nhanh nhạy kịp thời, có khả năng truyền tải thông tin trên phạm vi rộng lớn.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục; tăng diện phủ sóng, tích cực đổi mới nội dung các chương trình, nhất là từ khi phát sóng trên vệ tinh Vinasát (tháng 7-2012) đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải hình ảnh tỉnh Đắk Lắk đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

Hệ thống phát thanh - truyền hình của tỉnh phát triển rộng khắp, phủ sóng hầu hết các địa bàn dân cư, bao gồm thời sự tiếng Êđê, tiếng M’nông với các chuyên mục, chuyên đề thiết thực và bổ ích. Công tác khai thác, quản lý, sử dụng thiết bị kỹ thuật phát thanh – truyền hình thực hiện đúng quy trình; chất lượng sản xuất, truyền dẫn phát sóng ngày càng được nâng lên; thời lượng phát sóng các chương trình địa phương và tiếp phát các chương trình Trung ương đều đạt và vượt so với cùng kỳ.

Quang  cảnh buổi Họp báo định kỳ tháng 5-2017.    Ảnh: Bá Thăng
Quang cảnh buổi Họp báo định kỳ tháng 5-2017. Ảnh: Bá Thăng

Trong những năm qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Các cơ quan báo chí đã bám sát các hoạt động diễn ra của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước; là vũ khí sắc bén, hiệu quả trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Báo chí địa phương đã thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Đặc biệt, báo chí đã cùng tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, đưa tin kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm trên các lĩnh vực hoạt động của tỉnh, nhất là các vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, phản ánh đúng đắn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng… Các báo Trung ương, báo ngành đứng chân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, hoạt động đúng quy định của pháp luật, đăng tải thường xuyên các hoạt động, sự kiện diễn ra trong tỉnh, góp phần làm cho môi trường hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động, tác động tích cực và có hiệu quả đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh, hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số điểm cần lưu ý như việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục chưa duy trì thường xuyên, nội dung chưa được phong phú. Những tin, bài phản ánh những mặt tốt, mặt tích cực, những tấm gương người tốt - việc tốt chưa được nhiều, trong khi đó lượng tin bài phản ánh tệ nạn xã hội, các vụ việc tiêu cực, sai phạm của cán bộ, công chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh khá cao, điều đó phần nào tác động không tốt đến dư luận xã hội.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về báo chí ở địa phương, đã tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí như thực hiện Quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí in của tỉnh đến năm 2020, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn công tác phát ngôn và công tác thông tin đối ngoại cho lãnh đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ động triển khai các văn bản về quản lý báo chí, theo dõi và hướng dẫn hoạt động của báo, đài và website của các đơn vị trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương cấp đổi lại giấy phép hoạt động báo chí, tiến hành lập các thủ tục cấp đổi thẻ nhà báo cho những cá nhân đủ điều kiện; định kỳ hằng tháng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức đều đặn các hội nghị giao ban báo chí, chọn ra những chủ đề “nóng”, tiêu biểu mà dư luận xã hội quan tâm, được báo chí phản ánh để tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan có văn bản cung cấp thông tin, giải trình làm rõ những vấn đề báo chí đưa tin, tạo ra luồng thông tin chính thống cho bạn đọc, được các cơ quan báo chí đánh giá cao.

Để báo chí tỉnh nhà tiếp tục đổi mới, phát triển, trong thời gian tới tiếp tục duy trì đều đặn chế độ giao ban báo chí định kỳ hằng tháng để tổng hợp, đánh giá nội dung thông tin trên báo chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, qua đó kịp thời biểu dương các tập thể tiêu biểu, cá nhân xuất sắc, nhắc nhở các cá nhân và cơ quan báo chí tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo tỉnh mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác báo chí, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của năm 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó ưu tiên việc tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016…

Trần Trung Hiển

(Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc