Thực hiện quy chế phát ngôn – còn nhiều vấn đề đáng bàn
Để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, tỉnh đã ban hành Quy chế phát ngôn, quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người phát ngôn. Tuy nhiên, để quy chế này phát huy tác dụng, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Sau khi ban hành Quy chế phát ngôn, ngày 11-4-2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 2564/UBND-CN, gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Khi cần thiết, phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn và cung cấp kịp thời, chính xác cho báo chí trong thời gian sớm nhất...
Phóng viên các báo tác nghiệp tại một sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh. |
Yêu cầu là vậy, nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực, chủ động trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan báo chí tiếp cận và thu thập thông tin theo yêu cầu tác nghiệp. Tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 5 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, việc thực hiện chưa tốt công tác phát ngôn lại được nhiều nhà báo đề cập đến. Trong đó đáng lưu ý là tình trạng người phát ngôn ở một số đơn vị có tâm lý né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí. Chẳng hạn nhà báo Công Lý (Báo Nhân Dân) phản ánh việc tình trạng chỉ đạo vòng vo tại Sở NN-PTNT; hay đại diện Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh việc né tránh cung cấp thông tin của ngành Thuế; lại có trường hợp phóng viên đã gửi câu hỏi cho người phát ngôn trước cả tuần và đã có hẹn lịch làm việc cụ thể nhưng đến giờ chót vẫn bị hoãn… Tại cuộc họp báo này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Cảnh khẳng định, phản ánh của các cơ quan báo chí là một thực tế có thật. Thực tế đó không chỉ khiến các cơ quan báo chí khó tiếp cận thông tin, mà quan trọng hơn là thông tin chính thống từ cơ quan có thẩm quyền không được công bố để kịp thời định hướng dư luận.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, cơ quan báo chí, nhà báo cũng phải có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp. Tại cuộc họp báo trên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bùi Hồng Quý cho rằng, gần đây một số phóng viên, nhà báo vì lý do nào đó đã “cắt, gọt” ý kiến của người phát ngôn, làm “méo mó” bản chất vụ việc, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương. Đồng tình quan điểm trên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cũng đưa một số dẫn chứng của bản thân về việc bị “cắt, gọt” phỏng vấn, bản chất sự việc bị phản ánh sai lệch.
Có thể thấy, một mặt báo chí mong muốn được tiếp cận, truyền tải thông tin mới nhất, chính thống nhất tới bạn đọc, mặt khác yêu cầu đặt ra là bản thân các cơ quan báo chí, nhà báo cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Chỉ có như vậy, việc hợp tác giữa báo chí và cơ quan phát ngôn mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ý kiến bạn đọc