Cách mạng Tháng Tám và sự xác lập thiết chế dân chủ
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng Tháng Tám thành công đã dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – cùng với việc khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc là việc xác lập thiết chế dân chủ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, các chính sách liên quan quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền đã được thực thi, ví dụ như bãi bỏ thuế thân; bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền; quy định thể lệ Tổng tuyển cử; giảm tô; giảm thuế điền.
Trong lịch sử cách mạng, nền dân chủ ở Việt Nam đã bắt đầu từ chế độ dân chủ nhân dân với việc phủ định chế độ thực dân phong kiến. Việc thiết lập thiết chế dân chủ là một trong những giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các tư tưởng nhân quyền, nhân văn, dân chủ được tiếp nối trong suốt quá trình xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Dân chủ được cổ vũ và phát huy để làm nên những kỳ tích trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Tuy vậy, trong quá trình thực thi, nền dân chủ nhân dân đã được thiết lập đó đã có những biến đổi thích ứng với nhu cầu, điều kiện xã hội. Trong những năm đất nước có chiến tranh, nền dân chủ nhân dân đã dần trở thành nền dân chủ quân sự, nền dân chủ của Nhà nước. Công cuộc cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa trong suốt nhiều năm sau chiến tranh đã khiến cho nền dân chủ ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mô hình phi thị trường với tính chất nặng tập thể và quan liêu bao cấp. Và rồi khi chuyển sang thời kỳ đổi mới, nền dân chủ này đã trở lại dân chủ nhân dân cao hơn.
Cho tới nay, việc xây dựng nền dân chủ xã hội luôn được xác định là mục tiêu và động lực cơ bản của sự phát triển. Nhưng thực trạng hiện nay cũng cho thấy, trong một số trường hợp, một số lĩnh vực, người dân không thực hiện được quyền dân chủ đúng nghĩa của mình. Đã có những sai phạm được công bố liên quan tới việc xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân hoặc việc thực thi dân chủ hình thức, chất lượng dân chủ kém khiến cho dư luận xã hội hoài nghi.
Vậy câu chuyện dường như không dừng lại ở “xây dựng, thực hành, phát huy dân chủ” mà còn là “mở rộng dân chủ và nâng cao chất lượng dân chủ”. Bởi lẽ dân chủ phải gắn liền với đồng thuận xã hội, trách nhiệm xã hội cũng như quyền tự do, tự chủ của cá nhân và cộng đồng. Vì vậy, xây dựng nền dân chủ không chỉ là vấn đề về quyền dân chủ, về ý thức và hành vi dân chủ mà quan trọng là thể chế dân chủ (bao gồm cả luật pháp và tổ chức), môi trường pháp lý của dân chủ. Nếu không, rất dễ rơi vào tình trạng dân chủ hình thức, chỉ thể hiện trên nguyện vọng. Việc xây dựng một xã hội tốt đẹp là phải tạo điều kiện để nhân dân phát huy dân chủ thật sự, quyền con người được bảo đảm.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc