Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Quốc hội thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk

19:40, 25/09/2017

Ngày 25-9, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; kế hoạch, nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 của tỉnh; tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

v
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc. 

Trong 9 tháng năm 2017, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng 6,79%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 16.378 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 21.533 tỷ đồng, tăng 3,31%; công nghiệp ước đạt 9.785 tỷ đồng, tăng 11,5%...

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.629 tỷ đồng, bằng 90,16% dự toán Trung ương giao và 80,66% dự toán HĐND tỉnh giao. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực với 20 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; toàn tỉnh đạt 1.799/2.888 tiêu chí, bình quân đạt 11,84 tiêu chí/xã.

b
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng báo cáo với Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Đối với việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh theo Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 8-11-2016 của Quốc hội, đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi được 10.000 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang cây trồng khác; thương hiệu Hồ tiêu Cư Kuin đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận; tỉnh đang có 500 ha lúa được tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; phương thức chăn nuôi công nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng được đẩy mạnh; năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất được nâng cao…

g
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo huyện Cư Kuin nhân chuyến tham quan mô hình trồng tiêu tại xã Ea Bhốk

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề như: xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng; có giải pháp để giảm số trạm thu phí BOT trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp; xem xét, bổ sung vốn để thực hiện Chương trình sắp xếp, ổn định dân di cư biên giới và dân di cư tự do; giảm tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài và hỗ trợ vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương đối với các dự án ODA thực hiện trên địa bàn tỉnh…

v
Đoàn công tác trao quà tặng gia đình ông Lê Trung Hiệp, thôn 19-8, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy các thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường gắn kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng và có chính sách giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội gắn với việc giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn… 

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đắk Lắk, chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm mô hình trồng tiêu của hộ bà Trần Thị Tuyết ở thôn 6, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) và mô hình trồng sầu riêng xen cà phê của gia đình ông Lê Trung Hiệp, thôn 19-8, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.