Multimedia Đọc Báo in

Phiên giám sát chuyên đề - Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa IX

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

15:03, 07/12/2017
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa IX, sáng 7-12 dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê, các đại biểu đã tiến hành phiên giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Các đại biểu tham dự phiên giám sát chuyên đề. Ảnh: Hoàng Gia
Các đại biểu tham dự phiên giám sát chuyên đề. Ảnh: Hoàng Gia
 
Theo báo cáo giám sát của Đoàn giám sát số 23 (HĐND tỉnh), trong thời gian qua, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã mang lại những kết quả nhất định. Từ năm 2012 đến 2016 toàn tỉnh đã trồng được 15.843 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2014 được 2.800 ha, năm 2015 được 2.800 ha, năm 2016 được 2.000 ha với tổng vốn đầu tư trên 467 tỷ đồng. Tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được kiểm soát tốt hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ngày càng được tăng cường. Từ năm 2012 đến hết năm 2016 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 9.988 vụ vi phạm... 
 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế: Tiềm năng, lợi thế về rừng và đất rừng của tỉnh chưa được phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Trách nhiệm của chủ rừng chưa rõ, nhiều nơi rừng “không có chủ”; trách nhiệm của lực lượng quản lý bảo vệ rừng chưa cao, còn buông lỏng quản lý; công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng chưa hiệu quả; việc xử lý lâm luật chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe. Công tác trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, không phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Công tác chuyển đổi đất rừng nghèo sang thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp không hiệu quả, đặc biệt là trồng cây cao su. Việc tận thu gỗ diễn ra nhiều năm nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ.
 
Tại phiên giám sát, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận về báo cáo giám sát cũng như giải trình của UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh phát biểu tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh phát biểu tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
 
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đánh giá cao công tác giám sát và ghi nhận ý kiến tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh trên cơ sở cầu thị; đồng thời nêu rõ cần có cơ chế chính sách cho lực lượng được giao quản lý, bảo vệ rừng, bên cạnh đó phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành và nhân dân, từng bước làm tốt công tác bảo vệ rừng để đạt mục tiêu về tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.
 
Đại biểu Y Si Thắt Ksơr (tổ đại biểu huyện Buôn Đôn) cho rằng hiện nay công tác quản lý của các ngành chức năng, vai trò quản lý của chính quyền các cấp còn chồng chéo, chưa đồng bộ, vì vậy vấn đề quản lý rừng, tài nguyên rừng còn nhiều bất cập, dẫn đến tài nguyên rừng bị thất thoát, tàn phá nhưng không cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm trực tiếp. Do đó đề nghị cần có những giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm với những chế tài nghiêm ngặt để xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
 
Về vấn đề giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp, đại biểu Nguyễn Thượng Hải (tổ đại biểu huyện Cư M’gar) cho rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh có 78 dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thì hầu hết các dự án này triển khai không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp. Quy trình giao đất, cho thuê đất thiếu chặt chẽ, chưa kiểm kê rừng khi giao dẫn đến kết quả sau khi giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án, rừng mất nhưng không có đủ cơ sở để xử lý.
 
Một số đại biểu cũng nêu ý kiến cần có cơ chế, chính sách cũng như lực lượng tương ứng với tình hình thực tế để quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời có biện pháp, chế tài mạnh hơn nữa, kiên quyết xử lý đối với những chủ rừng để mất rừng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả... 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng báo cáo giải trình tại phiên giám sát chuyên đề. Ảnh: Hoàng Gia
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng báo cáo giải trình tại phiên giám sát chuyên đề. Ảnh: Hoàng Gia
 
Phát biểu kết luận phiên giám sát chuyên đề, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời đề nghị UBND tỉnh ghi nhận các ý kiến và sớm chỉ đạo các ngành liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
 
Trên cơ sở báo cáo giám sát, giải trình của UBND tỉnh và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.