Giá trị lý luận và sức sống thực tiễn của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong thời đại ngày nay
Cuối năm 1847, đầu năm 1848, bằng uy tín khoa học và danh tiếng hoạt động thực tiễn cách mạng, C.Mác và Ph.Ăngghen được Liên đoàn những người cộng sản tin tưởng ủy nhiệm soạn thảo bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” nhằm công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích của mình và đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản.
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được công bố vào tháng 2-1848. Lúc đó, C.Mác 30 tuổi và Ph.Ăngghen 28 tuổi.
Thật lý thú, lịch sử nhân loại 170 năm qua xác nhận, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” – tác phẩm do hai nhà khoa học và cách mạng trẻ tuổi ấy soạn thảo không chỉ là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen mà còn là một văn kiện mang tính cương lĩnh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đặc biệt, vào những thời điểm có tính bước ngoặt của phong trào cách mạng, giá trị, sức sống của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” càng được thể hiện và khẳng định. Bởi giá trị khoa học, cách mạng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” luôn chứa đựng khả năng gắn kết lý luận với thực tiễn để khơi nguồn cảm hứng tạo ra những ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc, mới mẻ cho cách mạng mỗi nước và cách mạng thế giới.
C.Mác và Ph.Ăngghen. |
Là tác phẩm đánh dấu sự ra đời và chín muồi của chủ nghĩa Mác, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” hàm chứa những tư tưởng cơ bản nhất có giá trị về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là hệ thống học thuyết khoa học, cách mạng cân đối, hoàn chỉnh phản ánh đúng đắn, sâu sắc các quy luật vận động, biến đổi của thế giới, nhất là các quy luật vận động, phát triển của lịch sử nhân loại. Khoa học và cách mạng, đó là bản chất của chủ nghĩa Mác. Giải thích thế giới và cải tạo thế giới, trước hết là cải tạo xã hội theo mục tiêu cộng sản chủ nghĩa đó là tinh thần cốt lõi của các nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Sau khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời, nó đã từng bước thâm nhập vào giai cấp công nhân, chuẩn bị cho họ về mặt ý thức, tư tưởng; tổ chức công nhân thành giai cấp và chính đảng ở các nước. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Thắng lợi vĩ đại tiếp theo của tư tưởng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là việc biến nước Nga từ hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh đế quốc, nghèo nàn, lạc hậu bậc nhất châu Âu trở thành Liên bang Xô viết đứng đầu châu Âu và là một trong hai cường quốc công nghiệp của thế giới với nhiều ưu việt về phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và bảo đảm an sinh xã hội cho đông đảo nhân dân lao động.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự lớn mạnh của Liên Xô, tinh thần của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung trở thành ngọn đuốc soi đường đấu tranh cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các dân tộc thuộc địa, lệ thuộc và bị áp bức trên các châu lục. Theo đó, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc ở nhiều quốc gia, dân tộc đã vùng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc và đưa quốc gia, dân tộc mình phát triển theo con đường trung lập hoặc theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) để hình thành nên hệ thống XHCN hùng mạnh và Phong trào không liên kết rộng lớn. Từ đó, hàng trăm quốc gia, dân tộc có độc lập; hàng tỷ người lao động có tự do, dân chủ.
Từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, trước những thăng trầm, đảo lộn của thời cuộc, một lần nữa, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” lại thể hiện vai trò và giá trị to lớn của mình đối với thực tiễn cách mạng thế giới. Một trong những lý do cơ bản dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, sự thất bại của chế độ XHCN ở Đông Âu là bởi trong quá trình cải tổ những người cộng sản đã xa rời tinh thần của Tuyên ngôn, từ bỏ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngược lại, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba nhờ trung thành với bản chất khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn và chủ nghĩa Mác-Lênin, thực hiện cải cách, đổi mới sáng tạo nên không những vẫn bảo vệ được thành quả cách mạng mà còn đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Những sự thật lịch sử đó xác nhận giá trị lý luận và thực tiễn của các nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đó là nguyên lý về quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội; giữa kinh tế và chính trị; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa quan hệ sản xuất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là tư tưởng về tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên của lịch sử nhân loại. Đó là luận điểm về đấu tranh giai cấp và liên minh giai cấp; về vai trò và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Đó là luận điểm về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân; về quan hệ giữa vấn đề giai cấp và dân tộc; giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân. Đó là luận điểm về phẩm chất của người cộng sản và nguyên lý về Đảng Cộng sản. Đó là tư tưởng về giải phóng và phát triển con người toàn diện. Đó là các quan điểm, tư tưởng về tiến trình, biện pháp cách mạng XHCN trong giai đoạn giành chính quyền cũng như cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới cộng sản chủ nghĩa... Những nguyên lý này đã được lịch sử cách mạng thế giới khẳng định là chứa đựng giá trị khoa học, cách mạng và sáng tạo.
Lý luận mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, trong đó có lý luận về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN... đem lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cho dân tộc Việt Nam trong hơn 30 năm qua là minh chứng sinh động thể hiện sự vận dụng, phát triển sáng tạo tinh thần của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong công cuộc đổi mới xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. |
Đối với Việt Nam, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có vị trí, vai trò khá đặc biệt. Năm 1920, khi còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận tinh thần của Tuyên ngôn thông qua việc lĩnh hội nội dung bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin – tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần khoa học, sáng tạo của Tuyên ngôn trong thời đại mới. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định, cách mạng vô sản là con đường duy nhất để cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là con đường của cách mạng Việt Nam theo ánh sáng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Sau đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một trong những tác phẩm lý luận mác-xít đầu tiên được đưa về Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ 20. Tác phẩm được dịch, đăng tải từng phần trên báo chí; được các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước đọc trong lao tù thực dân bằng những bản chép tay.
Đến nay, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được xuất bản nhiều lần; được in riêng và in trong C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập; được nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần khoa học, cách mạng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được giảng dạy, học tập rộng rãi trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các giai đoạn lịch sử, tinh thần khoa học, cách mạng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và các tài liệu mác-xít trở thành ý thức, tình cảm, thành sức mạnh tinh thần và vật chất; thành đường lối, chính sách, pháp luật; thành cương lĩnh, sách lược hành động cách mạng cho Đảng và toàn dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Như vậy, rõ ràng, tầm vóc lịch sử và giá trị, sức sống của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong điều kiện hiện nay vẫn đúng như V.I.Lênin nhận định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách: tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”.(*)
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Ý kiến bạn đọc