Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột trên hành trình khẳng định thương hiệu xanh bản sắc

09:53, 09/03/2018

Thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020), vượt qua những khó khăn, thách thức, Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Y THANH HÀ NIÊ KDĂM, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Buôn Ma Thuột về quyết tâm của thành phố trong hành trình xây dựng và phát triển đô thị này.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk.

● Buôn Ma Thuột trên đường hiện thực mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, xin đồng chí đánh giá những thành tựu nổi bật của thành phố đã đạt được trong những năm qua?

-Thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020), Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2015 đạt 12,41%, năm 2017 đạt 13,59%; quy mô kinh tế năm 2017  tăng gấp khoảng 2 lần so với năm 2010. Trong đó, công nghiệp - xây dựng có tốc độ phát triển khá, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; thương mại - dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, đáp ứng khá tốt các nhu cầu của xã hội và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Có thể thấy, với sự nỗ lực của thành phố,  kinh tế đã từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao dần chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bên cạnh đó,  việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là vùng ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; nếp sống đô thị ngày càng văn minh, giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn.

● Gắn với xây dựng đô thị hiện đại, văn minh là bảo tồn phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn thành phố. Xin đồng chí chia sẻ thêm về công tác này?

- Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, quan điểm chỉ đạo của Thành uỷ luôn xuyên suốt trong các thời kỳ đó là lấy văn hóa làm nền tảng. Chính vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gắn với việc nâng cao đời sống của người dân luôn được Thành uỷ quan tâm, chỉ đạo. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 4-8-2011 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS đến năm 2015 đã mang lại những hiệu quả tích cực. Xác định việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới, tháng 9-2016,  Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 03 về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phục hồi các bến nước, lễ hội dân gian, nhạc cụ, nghi thức tâm linh phù hợp với đời sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, là tuyên truyền cho người dân thấy được giá trị bảo tồn và sự đóng góp của chính mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhưng phải hòa mình vào đời sống văn minh đô thị.

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột.
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột.

● Là đô thị có đầy đủ tiềm năng, nền tảng để xây dựng một đô thị giàu bản sắc, xanh năng động, bền vững với những vùng sinh thái đặc thù, Buôn Ma Thuột  đã  và đang khai thác tiềm năng như thế nào để phát triển thưa đồng chí?

- Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 249/QĐ-TTg, ngày 13-2-2014. Trên cơ sở quy hoạch này, Buôn Ma Thuột đang tập trung vào một số kế hoạch phát triển không gian trọng tâm theo hướng trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông vùng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để có thể đảm nhận vai trò trung tâm cấp vùng, gắn với việc khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng về nông nghiệp để hình thành một thành phố xanh trên cao nguyên. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thành phố cũng sẽ phát triển tập trung hơn, khai thác tối đa các yếu tố địa hình, mặt nước nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng cũng là để tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hiện tại, để phát triển bền vững và toàn diện, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tạo vốn đầu tư công, khai thác nội lực hiện có đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đang triển khai lập Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2025; lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP. Buôn Ma Thuột; thực hiện Đề án phát triển du lịch TP. Buôn Ma Thuột...

Để thực hiện các mục tiêu, Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng khung theo quy hoạch được duyệt, từng bước phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội: hoàn thiện và đưa vào khai thác tuyến đường vành đai phía Tây thành phố; triển khai dự án đường Đông – Tây thành phố; hoàn thiện dự án bệnh viện cấp vùng; hoàn thiện cụm trung học chuyên nghiệp, đại học tại phường Tân An và cụm Đại học Tây Nguyên; các trung tâm thương mại và siêu thị...

Song song với việc kêu gọi các dự án đầu tư khu đô thị mới, thành phố Buôn Ma Thuột phát huy nội lực huy động nguồn lực từ nhân dân và kêu gọi các nguồn tài chính của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tập trung chỉnh trang đô thị, cải tạo các khu đô thị cũ, nâng cấp hệ thống sông suối, tôn tạo môi trường sinh thái và tạo mảng xanh cho đô thị…

Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.