Thực hiện chính sách dân tộc: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn
Thực hiện các chính sách dân tộc, thời gian qua, huyện Buôn Đôn đã triển khai đồng bộ, kịp thời đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân
Huyện Buôn Đôn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 47,4%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê, Tày, Nùng, Thái, M’nông… Huyện Buôn Đôn đã và đang triển khai thực hiện trên 20 chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho đồng bào DTTS như: Đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín; hỗ trợ vốn vay ưu đãi... Đáng chú ý là Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135) và Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (gọi tắt là Chính sách 102). Riêng trong năm 2017, huyện đã phân bổ 8,144 tỷ đồng vốn của Chương trình 135 về các xã để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bò sinh sản cho người dân và duy tu các công trình hạ tầng sau đầu tư; đồng thời phân bổ trên 2,5 tỷ đồng vốn Chính sách 102 để hỗ trợ giống, phân bón cho hộ nghèo…
Người dân xã Ea Bar làm đường giao thông nông thôn. |
Theo ông Buôn Minh Ksơr, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn, trước khi triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, Phòng Dân tộc huyện đều gửi thông báo, hướng dẫn đến UBND các xã để thông tin rộng rãi và minh bạch về đối tượng thụ hưởng, kế hoạch vốn, quyết toán kinh phí từng năm để nhân dân biết. Việc đề xuất đối tượng, địa bàn thụ hưởng và các phần việc triển khai đều được các xã họp bàn, nhân dân đồng tình, thống nhất cao, sau đó UBND xã tổng hợp, thông qua Thường trực HĐND cùng cấp và trình UBND cấp huyện phê duyệt bố trí vốn.
Hằng năm, Phòng Dân tộc còn phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất. Qua đó báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, xã Krông Na đã khéo léo lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để hoàn thành các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na chia sẻ: Năm 2017, xã làm mới được 360 m đường bê tông ở buôn Đôn; tu sửa 100 m đường buôn Ea Rông B; mở rộng 35 m2 nhà cộng đồng buôn Đôn; tu sửa, nâng cấp Trường Mầm non Họa Mi phân hiệu buôn Trí B... Hiện nay xã Krông Na đã hoàn thành 10 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 75% các tuyến đường giao thông đã được rải nhựa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,29% so với năm 2016 (còn 763 hộ); thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 15 triệu đồng/năm…
Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Huar cho biết, thời gian trước, đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, ở một số thôn buôn, khi làm ra hạt lúa, củ sắn không tư thương nào muốn vào mua vì đường sá đi lại khó khăn, nhất là khi trời mưa. Những năm gần đây, nhờ hưởng lợi từ Chương trình 135 hỗ trợ làm một số tuyến đường giao thông thì việc đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản của nhân dân thuận lợi hơn nhiều. Đến nay, trên 70% đường nội thôn, buôn trong xã đã được cứng hóa, bê tông hóa sạch đẹp. Từ đó bà con cũng yên tâm mở rộng sản xuất, thương lái tìm vào tận rẫy để thu mua nông sản.
Nhờ các chính sách dân tộc, gia đình anh Ngọc Văn Học, người dân tộc Tày (đứng giữa) ở thôn Hà Bắc (xã Ea Wer) đã có vốn để phát triển vườn tiêu, thoát nghèo bền vững. |
Là một trong những hộ người DTTS ở xã Ea Huar được thụ hưởng chính sách dân tộc, đến nay gia đình anh Y Đội Niê ở buôn Rếch A đã thoát nghèo. Anh Y Đội cho hay, năm 2014 gia đình anh được hỗ trợ 1 bò sinh sản theo Chương trình 135, cùng với đó anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức và mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn 7 triệu đồng để đầu tư mua phân bón chăm sóc 5 sào cà phê. Nhờ siêng năng, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế khá. Đến nay, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng; từ một con bò được hỗ trợ ban đầu đã tăng đàn lên 4 con.
Có thể nhận thấy, thông qua các chính sách dân tộc được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều đã có đường rải nhựa vào tới trung tâm và hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt của người dân; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa và trạm y tế đạt chuẩn, bảo đảm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Toàn huyện còn 6.115 hộ nghèo, giảm trên 3,5% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24 triệu đồng/năm.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc