Ứng dụng công nghệ thông tin: Tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo nền tảng quan trọng xây dựng chính quyền điện tử.
Những bước đột phá
Nhận thức rõ vai trò CNTT là nền tảng để xây dựng một nền hành chính hiện đại, là cơ sở thiết lập chính quyền điện tử, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 181/2015/NQ-HĐND ngày 3-12-2015 của HĐND tỉnh về ứng dụng, phát triển CNTT tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 30-6-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển và ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020... Các văn bản này đã tạo “cú hích” trong hoạt động ứng dụng CNTT cải cách hành chính của địa phương.
Kiểm tra hoạt động ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Krông Bông. |
Điểm lại một số kết quả nổi bật trong hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử để thấy được những bước đột phá ở lĩnh vực này: Hạ tầng CNTT của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT tập trung, từng bước khắc phục tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng, tiết kiệm ngân sách nhà nước và thực hiện tốt các giải pháp về an toàn thông tin. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trực tuyến được xây dựng và từng bước kiện toàn, tạo nền tảng phát triển cơ quan điện tử, chính quyền điện tử. 100% cơ quan, đơn vị trang bị đầy đủ máy tính làm việc cho cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ và có hạ tầng mạng nội bộ theo tiêu chuẩn, kết nối Internet băng thông rộng. Đến cuối năm 2017, 100% các cơ quan, đơn vị trong tổ chức bộ máy nhà nước các cấp sử dụng Hệ thống quản lý văn bản (văn phòng điện tử) liên thông toàn tỉnh và thư điện tử công vụ trong công tác hành chính hằng ngày của cán bộ, công chức; nâng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy của từng cơ quan, đơn vị đạt từ 60% trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai vận hành Hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp một cửa điện tử liên thông cung cấp đầy đủ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời cung cấp trực tuyến và tiếp nhận giải quyết trên hệ thống theo các mức độ phù hợp với điều kiện địa phương và chỉ đạo của Chính phủ. Các sở, ban, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực triển khai ứng dụng chuyên ngành, giải pháp kỹ thuật theo kế hoạch của ngành, địa phương, nổi bật như: sổ liên lạc điện tử, định vị học sinh, đào tạo trực tuyến ngành Giáo dục – Đào tạo; phần mềm quản lý bệnh viện; kê khai bảo hiểm xã hội trực tuyến; cổng tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh của ngành Y tế; hội nghị trực tuyến của huyện Krông Năng...
Kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND thị xã Buôn Hồ. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện vượt bậc về chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index) của tỉnh năm 2017 tăng 26 bậc, từ vị trí 49/63 lên vị trí 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cần “tăng tốc” xây dựng chính quyền điện tử
Chủ trì tại Hội nghị triển khai ứng dụng CNTT chính phủ điện tử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá: Bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh còn bộc lộ không ít hạn chế, dẫn đến hiệu quả và chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Cụ thể: Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phần lớn chưa thực hiện triệt để trên hệ thống iGate. Số lượng hồ sơ nhập vào hệ thống một cửa điện tử chưa đảm bảo so với hồ sơ thực tế. Công chức chuyên trách CNTT trong cơ quan nhà nước chưa được bố trí đảm bảo, thiếu ổn định về vị trí công tác. Ngân sách nhà nước hằng năm cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu đề ra để triển khai các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh về phát triển, ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử... “Những tồn tại này cho thấy còn rất nhiều việc chúng ta chưa thực hiện đảm bảo các tiêu chí về mức độ ứng dụng CNTT theo yêu cầu, quy định. Do vậy thời gian tới, các ban, ngành, địa phương cần phải thực sự tăng tốc, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Song không thể làm theo kiểu phong trào, mà phải làm thực chất...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc