Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới cơ chế bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thông qua báo cáo đề án công việc

05:58, 06/06/2018

Huyện Cư M’gar là một trong những địa phương cấp huyện sớm triển khai thực hiện cơ chế bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thông qua báo cáo Đề án công việc.

Ngay trong Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, Huyện ủy Cư M’gar đã xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong bốn khâu đột phá quan trọng của huyện. Để thực hiện điều đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 25-4-2016 về “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” với nhiều chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, trong đó quy định “từ năm 2017, thực hiện việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức ứng cử vào các vị trí chủ chốt của huyện, xã, thị trấn, trưởng, phó các phòng, ban ngành đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, hiệu trưởng các trường học thuộc huyện phải bảo vệ đề án công việc, trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định…”. Tiếp đó, ngày 10-8-2017, Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/HU “Thực hiện thí điểm việc đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, công chức ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, báo cáo đề án công việc trước Ban Thường vụ Huyện ủy”. Mục đích của việc trình bày đề án công việc là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, từ đó lựa chọn được những người có tâm huyết, có tri thức, có ý tưởng, tư duy mới, để bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện.

Một ứng viên tham gia báo cáo đề án công việc.
Một ứng viên tham gia báo cáo đề án công việc.

Kết quả trong tháng 9 năm 2017, huyện đã thực hiện thí điểm việc trình bày đề án công việc đối với 10 đồng chí, trong đó 7 đồng chí trình bày đề án trước khi bổ nhiệm (thuộc các chức danh: Trưởng Phòng Dân tộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện), 3 đồng chí trình bày đề án công việc trước khi giới thiệu ứng cử (1 đồng chí là Phó Chủ tịch UBND xã và 2 đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện).

Trong quý I-2018, huyện Cư M’gar đã tiếp tục ban hành Kế hoạch số 62-KH/HU thí điểm trình bày đề án công việc (có cạnh tranh) trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với 3 hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, 1 phó hiệu trưởng trường tiểu học, 2 bí thư đảng ủy xã, 1 chủ tịch HĐND xã, 2 chủ tịch UBND xã và 1 Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy. 16 đồng chí đã đăng ký viết và trình bày đề án công việc các chức danh trên trước Ban Thường vụ Huyện ủy.

Một buổi báo cáo đề án công việc trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.
Một buổi báo cáo đề án công việc trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Trong quá trình cán bộ trình bày đề án công việc, huyện có mời đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị có chức danh dự tuyển cùng tham dự nghe báo cáo đề án công việc để họ nhìn nhận năng lực, trình độ người dự tuyển, bảo đảm tính khách quan của quá trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý... Người tham gia trình bày đề án cũng phải cam đoan sẽ từ chức khi không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã nêu trong đề án. Trên cơ sở chất lượng đề án công việc và kết quả bảo vệ đề án, kết hợp với việc xem xét phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ (trong 3 năm gần nhất) của người dự tuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy chấm điểm, công bố công khai kết quả và xem xét quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo đúng quy trình, quy định.

Việc thí điểm trình bày đề án công việc của huyện đã giúp các cán bộ tham gia dự tuyển nghiên cứu kỹ, nắm bắt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng được phương hướng, tiêu chí để tổ chức thực hiện... từ đó tiếp cận nhanh với công việc khi được bổ nhiệm, trúng cử. Đề án sau khi được thông qua, người dự tuyển đã trúng cử thì cần công khai đến cán bộ, công nhân, viên chức của địa phương, đơn vị để họ theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Trong thời gian tới, huyện Cư M’gar sẽ rút kinh nghiệm việc thí điểm trình bày đề án công việc trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, xây dựng thành quy định và tổ chức thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình hiện nay.

Một vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm bảo vệ đề án công việc là xác định thời điểm để tổ chức cho người dự tuyển trình bày, bảo vệ đề án. Giai đoạn này nằm ở “bước” nào trong quy trình “5 bước” theo Kết luận 12-KL/TW, ngày 23-3-2017 của Bộ Chính trị? Hiện tại, tùy thuộc chức danh dự tuyển mà huyện đưa vào thực hiện xen kẽ một cách hợp lý. Vướng mắc thứ hai là khi tiến hành lấy phiếu giới thiệu và phiếu tín nhiệm thì đến bước cuối cùng thường chỉ còn một đồng chí đủ tiêu chuẩn đạt trên 50% số phiếu, từ đó dẫn đến khó tìm đủ 2 người trở lên tham gia cạnh tranh một chức danh. Để tháo gỡ vấn đề này, công tác quy hoạch cán bộ phải đáp ứng về số lượng và chất lượng cán bộ đối với từng chức danh. Đồng thời cho phép cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch chức danh tương đương đang công tác ở các địa phương, cơ quan, đơn vị khác có chuyên môn phù hợp với chức danh có nhu cầu bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử được tham gia dự tuyển.

Đồng chí Lê Đức Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cư M’gar khẳng định: “Việc báo cáo đề án công việc trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không chỉ thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, tạo sự công bằng, khách quan trong bổ nhiệm, giới thiệu người ứng cử, mà còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, nguyên tắc thực tài. Thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn đã khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền", hay “sống lâu lên lão làng”, đưa công tác xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ “hậu trường” lên “hội trường”, góp phần lựa chọn những người xứng đáng để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của huyện”.

  Nguyễn Hồng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.