Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20-8-1888 -20-8-2018)

Những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Kỳ 2)

08:17, 19/08/2018
[links(left)]
 
Kỳ 2: Những cống hiến to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam 
 
Đồng chí Tôn Đức Thắng là người thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh đấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
 
Từ khi thành lập, Công hội đã liên tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, mà điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8-1925). Trong những năm 1926 - 1927, Công hội Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân. Với chức trách được giao, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
 
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đã khẳng định hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Tại Sài Gòn, quá trình đó diễn ra thuận lợi vì có sự hoạt động tích cực của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Công hội của đồng chí đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân. Chính sứ mệnh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta”.
 
Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng
 
Tháng 7-1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân - hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí Tôn Đức Thắng tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin... dùng làm tài liệu học tập trong tù.
 
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, đơn vị bắn rơi máy bay F111A  của Mỹ ngày 22-12-1972. Ảnh tư liệu
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, đơn vị bắn rơi máy bay F111A của Mỹ ngày 22-12-1972. Ảnh tư liệu
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Hội tù nhân do đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ huy đã có nhiều hình thức và tổ chức hoạt động phong phú phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện; chớp thời cơ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tinh thần đó, Đảng ủy Côn Đảo chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử vào đoàn đại biểu đến gặp Quản đốc Lê Văn Trà, buộc Trà phải đồng ý một số vấn đề như: tổ chức chính quyền liên hiệp trên đảo, sửa chữa vô tuyến điện, sửa chữa radio để nghe tin tức, sửa chữa canô để đưa đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ...
 
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ.
 
Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh
 
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về đất liền, đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam Bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Đồng chí là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt - Xô. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao ý thức, tổ chức kỷ luật của người đảng viên Đảng Cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng, gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi, chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị; nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.
 
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào, hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.
 
(Còn nữa)
 
Ban Tuyên giáo Trung ương – 
Tỉnh ủy An Giang
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.