Hội Liên hiệp Phụ nữ phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường cho biết, ngay sau khi có Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, biên soạn các loại biểu mẫu hỗ trợ các cấp Hội thực hiện giám sát theo đúng quy trình; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề về kỹ năng giám sát; định hướng, gợi ý nội dung; đưa việc thực hiện công tác giám sát vào chỉ tiêu thi đua…
Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều đăng ký nội dung giám sát chuyên đề và xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể, chọn địa điểm, tổ chức giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến tổ chức hội, hội viên phụ nữ. Đặc biệt năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cấp Hội xây dựng kế hoạch giám sát gửi Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thống nhất hiệp thương về nội dung, hình thức giám sát. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh, cấp huyện và cơ sở đã thành lập, chủ trì giám sát 198 cuộc với nội dung tập trung vào việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và cử cán bộ tham gia 642 đoàn giám sát do Ủy ban MTTQVN, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể liên quan cùng cấp tổ chức.
Đoàn giám sát của tỉnh do Hội LHPN tỉnh chủ trì tìm hiểu việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP tại xã Yang Réh (huyện Krông Bông). |
Theo Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ Nguyễn Phan Minh Tiết, để nâng cao chất lượng giám sát, Hội đã phân công các đồng chí trong thường trực luân phiên chủ trì nhằm phát hiện vấn đề, chọn nội dung giám sát qua nắm bắt dư luận xã hội, nghiên cứu chính sách, pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở hội đưa nội dung giám sát vào chấm điểm thi đua. Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã chủ trì 9 đoàn giám sát, 12/12 Hội LHPN các xã, phường đã chủ trì 55 đoàn giám sát. Qua đó, Hội đã phát hiện được nhiều tồn tại, thiếu sót trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực như: công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chính sách bình đẳng giới, hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục và các điểm giữa trẻ trên địa bàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, sau mỗi cuộc giám sát, Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp đã có văn bản kiến nghị cấp ủy, UBND cùng cấp và kiên trì theo đuổi các kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành 84 văn bản chỉ đạo cấp ủy, UBND và các ngành chức năng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Nhờ vậy, đã có 2.740 phụ nữ được hưởng chế độ theo quy định của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ ; một số sai sót trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND cấp xã đã được chỉ đạo thực hiện đúng quy trình; công tác quy hoạch nhân sự cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 được quan tâm...
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường (bìa trái) thăm hỏi tình hình đời sống và việc thụ hưởng chính sách dân số của phụ nữ dân tộc thiểu số ở buôn Yang Reh 2 (xã Yang Reh, huyện Krông Bông). |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hường cho biết thêm, bên cạnh hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội cũng đã được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tích cực chỉ đạo triển khai. Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội đã chủ trì tổ chức 649 cuộc hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề góp ý vào các dự thảo luật, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, Đại hội Phụ nữ các cấp và góp ý vào 419 văn bản dự thảo của các cấp, ngành gửi đến. Các cấp Hội cũng đã đóng góp 12.126 ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp giao ban với UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban ngành liên quan.
Phát hiện nhiều thiếu sót qua quá trình giám sát Qua các cuộc giám sát, Hội LHPN các cấp đã phát hiện 2.669 phụ nữ chưa được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ về “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số”; 36 trường hợp phụ nữ đơn thân thuộc hộ nghèo chưa được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định; 117 trường hợp thuộc diện được hưởng chính sách cho người khuyết tật nhưng chưa được xét; 152 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); 4.034 thẻ BHYT cấp sai thông tin, trùng tên; Hội LHPN một số xã chưa được quan tâm, tạo điều kiện tham gia quản lý nhà nước theo quy định… |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc